Tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020 cho các tỉnh phía Nam.
Tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn ảnh 1Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Chiều 19/11, tại An Giang, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức tập huấn tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông năm 2020 cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, tai nạn giao thông đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Năm 2019, số người chết do tai nạn giao thông ở mức dưới 8.000 người, tương đương năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần.

[Infographics] Hơn 156.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý

Trong 10 tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra gần 11.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 5.500 người, bị thương 8.630 người.

So với 10 tháng năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 18,23%, số người chết giảm giảm 13,64%, số người bị thương giảm 20,63%.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng mặc dù số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương giảm trong 10 tháng năm 2020 nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn rất phức tạp, số vụ tai nạn giao thông còn nhiều, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông còn cao.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về ý thức tuân thủ các quy định pháp luật và hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn,” ông Hùng lưu ý.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, kèm theo đó là Nghị định 100 đã tăng mạnh chế tài xử phạt đối với người đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đến nay, người dân ủng hộ và chấp hành rất tốt Luật và Nghị định này khi tham gia giao thông.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, đánh giá thực tế, qua công tác tuần tra xử lý về nồng độ cổn trong thời gian qua cho thấy đã xảy ra nhiều vụ việc người vi phạm không chấp hành yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ, có thái độ thách thức, gây rối nên quá trình thực thi công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng liên quan khác gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Anh Thư, các lực lượng cần có kỹ năng xử lý tình huống vừa mềm mỏng vừa kiên quyết, nghiêm minh; đồng thời giải thích cho người điều khiển phương tiện hiểu rõ lỗi vi phạm, đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông; từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia không lái xe."

Từ năm 2016-2019, trên địa bàn An Giang, tai nạn giao thông được kìm chế và kéo giảm cả về số vụ và số người chết qua từng năm.

Tuy nhiên, trong 7 tháng năm nay, số người chết do tai nạn giao thông tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Để kìm chế tai nạn giao thông trong các tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo nhiều giải pháp mạnh, cụ thể và quyết liệt.

Sau 4 tháng triển khai các giải pháp, đến tháng 11, số người chết trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống còn 22%, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2019.

An Giang phấn đấu đến cuối năm 2020 cố gắng kéo giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc, để làm sáng tỏ các vấn đề còn bị động, lúng túng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phối hợp, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục