Tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế biển bền vững

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình container hóa để hòa nhập với thế giới, việc xây dựng hệ thống cảng container và đội tàu container hiện đại đang là yêu cầu cấp bách.
Tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế biển bền vững ảnh 1Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng.

Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững...

Chưa tương xứng với tiềm năng

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng cần nhìn nhận việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam vẫn còn chậm và còn một số bất cập. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển đang trong quá trình hoàn thiện, chưa xây dựng được hệ thống hạch toán, thống kê kinh tế biển và đại dương.

Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến như quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ còn chậm được áp dụng do Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương vẫn còn đang trong quá trình xây dựng.

Đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo còn dàn trải, thiếu chiều sâu, chưa tạo đột phá và vươn ra đại dương.

Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; khai thác, sử dụng biển và hải đảo còn thiếu bền vững, khai thác tự phát, vẫn còn tình trạng khai thác tận diệt; lãng phí tài nguyên biển làm suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển và ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế, thiếu các ngành khoa học mũi nhọn; công tác đào tạo, dạy nghề phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế biển chưa được quan tâm đúng mức.

Các ngành kinh tế biển như du lịch, dịch vụ biển, hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Để nhanh chóng cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp sát, hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, với mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.

[Phát triển kinh tế biển bền vững: Động lực phát triển của địa phương]

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế, phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ an ninh, an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường trên biển còn chưa được đầu tư đúng tầm; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy hết tầm. Việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, sự liên kết trong hoạt động phát triển kinh tế giữa các vùng biển, ven biển; vùng ven biển với vùng nội địa; địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Ô nhiễm môi trường biển và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương chưa được kiểm soát triệt để, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn hạn chế.

Ngoài ra, khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển...

Tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế biển bền vững ảnh 2Lồng bè nuôi tôm hùm trên Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Tại Kiên Giang, kinh tế biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giá trị khai thác và nuôi trồng thủy sản tuy có tăng trưởng nhưng chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững. Nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng ven biển, hải đảo chưa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế biển. Nguồn lợi ven biển còn lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả; ứng dụng khoa học-công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều. Kết cấu hạ tầng du lịch biển, đảo còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa cao, sản phẩm du lịch nhìn chung còn đơn điệu chưa thật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước chưa phát huy hiệu quả đồng bộ. Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thiếu đồng bộ để khai thác hiệu quả, nhất là các trục giao thông ven biển nội vùng, cảng nước sâu, dịch vụ logistics, hệ thống hạ tầng cảng biển, sân bay.

Tập trung nguồn lực phát triển

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế. Việc phát triển bền vững kinh tế biển có vai trò then chốt đối với thành phố.

Tuy nhiên, Đà Nẵng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Chính phủ chưa ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, dẫn đến nhiều khó khăn cho việc định hướng khai thác không gian tại địa phương nói chung và phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh, vì vậy chưa có cơ sở để xây dựng và ban hành bộ chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển tại địa phương.

Các thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường, tiềm năng phát triển kinh tế biển của thành phố còn rất hạn chế, không đảm bảo thông tin đầu vào cho các ngành triển khai các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin là một trở ngại lớn cho công tác quản lý biển, đảo, đặc biệt trong việc triển khai các dự án ven biển, cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển. Định mức kinh tế kỹ thuật cho nhiều hoạt động liên quan đến biển, đảo chưa được xây dựng và ban hành.

Trong thực tế, suất đầu tư cho biển đảo thường cao hơn rất nhiều so với suất đầu tư trên bờ. Vì vậy, trong thời gian qua các ngành gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng dự toán triển khai các nhiệm vụ được giao. Đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay, đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của nhiều chương trình, nhiệm vụ của Nghị quyết.

Là doanh nghiệp hoạt động trong cả 3 lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có đội tàu bao gồm 64 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương 21% trọng tải đội tàu Việt Nam. Hệ thống cảng biển trải dài trên khắp cả nước với 84 cầu cảng có tổng chiều dài 13.882m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước. Hệ thống kho bãi với diện tích khoảng 545.000 m2.

Tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế biển bền vững ảnh 3Cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Những năm qua, ngành hàng hải Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải… Đó là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho rằng xu hướng phát triển của phương thức vận tải container đã dần phát triển rộng rãi trên toàn thế giới vì tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển. Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình container hóa để hòa nhập với xu hướng chung của thế giới, việc xây dựng hệ thống cảng container và đội tàu container hiện đại đang là yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng hải Việt Nam.

Thực tế cho thấy Việt Nam chưa phát triển được đội tàu container chuyên nghiệp có thể cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài. Trong thời gian vừa qua, thị trường vận tải container quốc tế sôi động với mức cước vận tải không ngừng tăng cao trên các tuyến vận chuyển chính, tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được hưởng lợi không đáng kể do phần lớn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam là do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.

Ông Lê Anh Sơn cho biết với vai trò của một doanh nghiệp nhà nước, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW “Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế”. Tổng công ty xác định cần phải đầu tư phát triển đội tàu theo hướng hiện đại, hiệu quả và đang tập trung nguồn lực để phát triển đội tàu container theo xu hướng phát triển của thế giới...

Bờ biển Việt Nam có 125 bãi biển có chất lượng tốt, nhiều bãi có chiều dài lên tới 15-18km, đặc biệt là ở khu vực Nam Trung Bộ và ở các hải đảo do ít bị ảnh hưởng bởi phù sa của các hệ thống sông lớn.

Biển Việt Nam cũng có nhiều vũng, vịnh, đầm phá là những tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị cao về cảnh quan, đa dạng sinh học cũng như tài nguyên du lịch văn hóa gắn với đời sống người dân địa phương. Hệ thống trên 2000 đảo của Việt Nam là nguồn tài nguyên du lịch vô giá. Đặc biệt là hệ thống đảo thuộc vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ. Ngoài Quảng Ninh, Hải Phòng thì Khánh Hòa và Kiên Giang cũng là các địa phương có nhiều đảo có giá trị khai thác du lịch rất cao. Hệ thống vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên biển và ven biển cũng là những nguồn tài nguyên du lịch quan trọng.

Du lịch biển đảo luôn được xác định là thế mạnh và là định hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định du lịch là một trong những lĩnh vực chính và là lĩnh vực được đề cập đầu tiên trong khối các ngành kinh tế biển cần được thúc đẩy phát triển.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng riêng về du lịch tàu biển, mặc dù có xu hướng phát triển nhanh ở cả thế giới và khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế, tuy nhiên du lịch tàu biển ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng do chưa có hạ tầng phù hợp cũng như sự đa dạng của các sản phẩm du lịch cho thị trường này. Hiện cả nước mới có 01 cảng biển du lịch nên chưa có đủ điều kiện đón và phục vụ lượng khách này. Khách du lịch tàu biển mới chỉ chiếm khoảng 1-1,5% tổng lượng khách quốc tế của cả nước và khoảng 2-2,5% khách quốc tế của các tỉnh, thành ven biển. Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 260.000 khách du lịch tàu biển.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, trong giai đoạn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo ngành du lịch tập trung các biện pháp phục hồi ngành du lịch, nâng cao năng lực của các địa phương, trong đó tập trung cho các địa phương ven biển là những địa phương trọng yếu thu hút khách du lịch.

Ở các năm tiếp theo, sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế du lịch biển gắn với nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao ở các trọng điểm cùng các chính sách phát triển sản phẩm du lịch biển đảo tạo ra sự phát triển đột phá cho du lịch biển đồng thời vươn ra các đảo xa bờ, phối hợp với các địa phương ven biển để tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, sự kiện để thúc đẩy phát triển du lịch biển.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục