Tối 21/11 (giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Orion của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã bay vào quỹ đạo Mặt Trăng, thực hiện sứ mệnh Artemis 1 thám hiểm hành tinh này.
Lần gần đây nhất NASA phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng là trong chương trình Apollo cách đây 50 năm. Sự kiện tàu Orion đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chuyến bay thử nghiệm trị giá 4,1 tỷ USD khởi hành từ 16/11.
Đường bay của Orion đã đưa tàu qua các địa điểm hạ cánh của các tàu Apollo 11, 12 và 14 đưa con người lên Mặt Trăng trước đây.
Tàu Orion được trang bị 16 camera bên trong và bên ngoài để ghi lại hành trình khác nhau từ các góc nhìn khác nhau. Do mất liên lạc trong nửa giờ, các chuyên gia điều khiển ở Houston không biết liệu động cơ quan trọng có hoạt động tốt hay không cho đến khi tàu Orion xuất hiện từ phía sau Mặt Trăng, tại địa điểm cách Trái Đất hơn 375.000 km.
[Tàu Orion phóng thành công, bắt đầu hành trình thám hiểm Mặt Trăng]
Dự kiến cuối tuần này, Orion sẽ phá vỡ kỷ lục về khoảng cách 400.000 km giữa một tàu vũ trụ được thiết kế cho các phi hành gia và Trái Đất mà tàu Apollo 13 thiết lập vào năm 1970. Sau đó, tàu Orion sẽ tiếp tục di chuyển, đạt khoảng cách tối đa với Trái Đất - ước tính khoảng 433.000 km, vào ngày 28/11 tới.
Tàu sẽ khám phá Mặt Trăng trong khoảng 1 tuần trước khi trở về Trái Đất. Theo kế hoạch, Orion sẽ đáp xuống Thái Bình Dương vào ngày 11/12 tới.
Trong sứ mệnh Artemis 1 này, NASA đã sử dụng hệ thống phóng không gian (SLS) - hệ thống tên lửa mạnh nhất từng được cơ quan này chế tạo với 30 tầng, để phóng tàu Orion vào vũ trụ. Mục tiêu của sứ mệnh là thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện này trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng.
Sau nhiệm vụ Artemis 1, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3.
NASA muốn xây dựng một trạm vũ trụ trên Mặt Trăng có tên là Gateway và duy trì sự hiện diện lâu dài tại hành tinh này trước khi thực hiện sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2030./.