Tây Ninh nâng tầm văn hóa ẩm thực chay, thu hút khách du lịch

Tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực đưa nghệ thuật chế biến món ăn chay - di sản quốc gia trở thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển ngành "công nghiệp không khói", hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tây Ninh nâng tầm văn hóa ẩm thực chay, thu hút khách du lịch ảnh 1Ẩm thực chay Tây Ninh tạo nên mâm cỗ chay ngày Tết truyền thống. (Ảnh: dulichtayninh)

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Tây Ninh có nhiều bước tiến ấn tượng, được người dân trong cả nước biết đến với tâm điểm là Khu du lịch núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài…

Bên cạnh đó, với các sản phẩm ẩm thực phong phú như bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối tôm, đặc biệt là các món ẩm thực chay có nét đặc trưng riêng, đã góp phần níu kéo du khách đến với Tây Ninh trải nghiệm du lịch và thưởng thức ẩm thực.

Chế biến món chay từ rau, củ, quả

Các món ăn chay ở Tây Ninh có sự khác biệt so với các vùng, miền trong cả nước ở phần chế biến món ăn chủ yếu từ rau, củ, quả tại địa phương như: Các loại rau sông, rau rừng, măng rừng, cải, mướp đắng, dưa, bầu, bí…

Cùng với đó là các loại nấm và sản phẩm làm từ đậu nành như đậu hủ, tàu hủ ky đã tạo nên hương vị chuẩn thuần chay, tốt cho sức khỏe người dùng, được nhiều người dân ở Tây Ninh lựa chọn để thay đổi khẩu vị, ăn thuần chay hoặc ăn chay 10 ngày/tháng (theo đạo Cao Đài).

Ông Phạm Đức Chuyển, người có nhiều năm kinh nghiệm chế biến món ăn chay tại Trai đường Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh cho biết xuất phát từ nhu cầu ăn chay thường xuyên của những người theo đạo Cao Đài, người dân Tây Ninh đã sáng tạo ra nhiều món ăn chay được chế biến từ rau, củ, quả, chế biến thành những món ăn chay rất phong phú, hấp dẫn, bảo đảm dinh dưỡng.

[Khám phá nghệ thuật chế biến món ăn chay ở Tây Ninh]

Hằng năm, vào các dịp lễ hội lớn của đạo Cao Đài, hàng trăm ngàn khách thập phương đổ về Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh trẩy hội, tham quan du lịch, được thưởng thức các món ăn chay miễn phí, đều không thể quên được.

Bà Nguyễn Thị Huệ (70 tuổi, ngụ ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) là người theo đạo Cao Đài, với niềm đam mê nấu ăn và luôn thích sáng tạo, học hỏi, chế biến ra các món ăn chay mới, lạ miệng, mang đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú thêm các món ăn chay ở Tây Ninh.

Theo bà Huệ, chế biến món ăn chay cần sự kỳ công hơn so với các món ăn chế biến từ động vật, bởi món chay phải có hình thức bắt mắt và hương vị đặc biệt thì mới cuốn hút được người dùng, nhất là những người không thường xuyên ăn chay.

Với nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và có nhiều công thức chế biến món chay phong phú, bà Huệ chia sẻ: “Ai muốn học chế biến món ăn chay, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ lại những gì tôi biết. Đây là cách mình lưu giữ lại truyền thống, không để mai một đi nét đẹp văn hóa của quê hương Tây Ninh.”

Bảo tồn, thúc đẩy phát triển du lịch

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Anh Minh cho biết, nghệ thuật chế biến món ăn chay ở thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh, các huyện Gò Dầu, Tân Châu, Dương Minh Châu, được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 75/QĐ-BVHTTDL, ngày 12/01/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm bảo tồn, tôn vinh các nghệ nhân đang thực hành gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo văn hóa ẩm thực chay ở Tây Ninh.

Tây Ninh nâng tầm văn hóa ẩm thực chay, thu hút khách du lịch ảnh 2Ẩm thực chay Tây Ninh thể hiện sự khéo léo và cầu kì trong cách thực hiện. (Ảnh: Phước Lạc Viên)

Với quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chế biến món ăn chay, ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh (đồng thời là chủ nhà hàng Phước Lạc Duyên ở khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) cho biết, từ nhỏ ông đã quen cùng người lớn trong gia đình ăn chay, nấu món chay, nên có tình cảm lớn đối với văn hóa ẩm thực chay và mong muốn xây dựng thương hiệu ẩm thực chay Tây Ninh ngày càng lớn mạnh.

Năm 2020, ông Quốc mở nhà hàng Phước Lạc Duyên chuyên phục vụ các món ăn thuần chay. Ông không ngừng tìm kiếm, sưu tầm các món ăn chay để lưu giữ và làm phong phú thêm cho thực đơn của nhà hàng.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc cho biết đến nay, Phước Lạc Duyên đã sưu tầm, phát triển hơn 500 món ăn chay thuần túy đến từ vùng đất thánh Tây Ninh, với mong muốn xây dựng thương hiệu cho ẩm thực chay, thu hút khách du lịch, thưởng thức và xem đây như một nét đặc trưng riêng, đặc sản phải một lần thưởng thức khi đến với Tây Ninh.

Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đang nỗ lực quảng bá giá trị của ẩm thực chay Tây Ninh, kết hợp thu hút du lịch thông qua việc kết nối với các Hiệp hội Du lịch các tỉnh lân cận. Từ đó, tăng sức lan tỏa tới các vùng miền khác trong cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Võ Đức Trong, Tây Ninh đã trải qua hơn 180 năm hình thành và phát triển. Ẩm thực Tây Ninh (trong đó có ẩm thực chay) đã dần hình thành và trở thành một trong những nét đặc trưng văn hóa của người dân nơi đây, được nhiều người trong cả nước biết đến.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh kỳ vọng nghệ thuật chế biến món ăn chay là một trong những sản phẩm du lịch góp phần phát triển ngành "công nghiệp không khói", hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Với những lợi thế sẵn có, Tây Ninh đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị điểm đến bằng việc tổ chức các lễ hội, xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với các cơ sở chế biến ẩm thực chay, góp phần bảo tồn nghệ thuật chế biến món ăn chay trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục