Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, trong đó đột quỵ não hay còn gọi là nhồi máu não chiếm khoảng 80-85% các bệnh nhân đột quỵ.
Để tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ não, nhóm nghiên cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20).
Điều trị thành công trên bệnh nhân
Bệnh nhân đột quỵ não điều trị lâu dài và tốn kém nên đột quỵ não là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của nhiều hệ thống y tế, ngay cả tại Việt Nam.
Mục tiêu điều trị trong đột quỵ thiếu máu não cấp là phải khôi phục dòng máu đến vùng đang thiếu máu càng sớm càng tốt.
Đến nay, điều trị đặc hiệu nhồi máu não là kỹ thuật tái thông mạch não với hai phương pháp: phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Cả hai phương pháp đều đòi hỏi bệnh nhân phải đến viện càng sớm càng tốt.
Đối với phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết, cửa sổ điều trị trong vòng 4-5 giờ, phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học cửa số điều trị chỉ trong vòng 6 giờ đầu hoặc có thể có thời gian cửa số dài hơn phụ thuộc vào vùng mô não còn có thể cứu sống được.
[Ghép tế bào gốc thành công cho bệnh nhi ung thư võng mạc di căn]
Theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi các bệnh nhân đến viện sớm được điều trị đặc hiệu thì tỷ lệ thành công, hồi phục chức năng tốt cũng chỉ chiếm khoảng 30-50%.
Vì vậy, điều trị các bệnh nhân nhồi máu não chủ yếu vẫn là điều trị bằng phác đồ cơ bản và điều trị phục hồi.
Đề tài “Nghiên cứu, sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não,” do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ngọc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm chủ nhiệm, đã mở ra niềm hy vọng mới, tăng cơ hội hồi phục cho các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não - căn bệnh phổ biến, nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao hàng thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
Đây là hướng đi mới đang mở ra triển vọng cho ngành y học phục hồi, đó là việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý tổn thương hệ thần kinh nói chung và bệnh lý đột quỵ nhồi máu não nói riêng.
Liệu pháp tế bào gốc là một mô hình mới xuất hiện trong điều trị đột quỵ não và được coi là một chiến lược tiềm năng trong tái tạo những thiếu hụt thần kinh ở bệnh nhân đột quỵ não.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ngọc cho biết tế bào gốc là những tế bào có khả năng tự đổi mới, tạo ra nhiều tế bào gốc tương tự nó và có khả năng biệt hóa thành tất cả hoặc một số dòng tế bào khác nhau. Từ tế bào gốc ban đầu, có thể biệt hóa thành các tế bào cơ tim, tế bào máu, tế bào gan hoặc tế bào thần kinh… Khác với các tạng khác khi cấy ghép phải dùng các tạng từ người hiến thì liệu pháp tế bào gốc, nguồn tế bào gốc có thể được lấy từ chính các tế bào trong cơ thể bệnh nhân (tế bào gốc tự thân) hoặc lấy từ tế bào của người khác (tế bào gốc dị thân).
Do đó, những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trong việc ứng dụng tế bào gốc tự thân điều trị các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ não) được nhóm nghiên cứu thực hiện thành công trên bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tại Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tạo máu tự thân đã được ứng dụng trong điều trị bệnh như: ghép tủy trong điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị thoái hóa khớp gối, nhồi máu cơ tim, xơ gan…
Từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20).
Đề tài đã được Hội đồng Khoa học và công nghệ đánh giá nghiệm thu và thông qua các kết quả đạt được, cũng như tiềm năng ứng dụng trong thực tế.
Làm chủ quy trình kỹ thuật
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ngọc nhấn mạnh từ thành công của đề tài, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu xây dựng quy trình phân lập, bảo quản tế bào gốc tự thân sử dụng trong điều trị nhồi máu não; đồng thời xây dựng quy trình sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não. Đây là một trong những đề tài tiên phong trong đánh giá hiệu quả của tế bào gốc tạo máu trên bệnh nhân đột quỵ.
Nhóm nghiên cứu đã khám sàng lọc trên 160 bệnh nhân đột quỵ não, lựa chọn 92 bệnh nhân nhồi máu não vùng cấp máu động mạch não giữa, các bệnh nhân được khám và điều trị tại Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia 3 nhóm: nhóm 1 - nhồi máu não động mạch não giữa, điều trị bằng tế bào gốc tủy xương đường tĩnh mạch (31 bệnh nhân); nhóm 2 - nhồi máu não động mạch não giữa, điều trị bằng tế bào gốc tủy xương đường động mạch (31 bệnh nhân); nhóm 3 - nhóm chứng (30 bệnh nhân), chẩn đoán dựa vào lâm sàng.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu thực hiện thu gom, chiết tách, xử lý, bảo quản và đánh giá chất lượng khối tế bào gốc tủy xương tự thân trên bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não; xây dựng chỉ định, quy trình sử dụng tế bào gốc tủy xương tự thân điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não; đánh giá kết quả điều trị bằng tế bào gốc tủy xương tự thân trên bệnh nhân đột quỵ não.
Qua quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công và làm chủ quy trình sử dụng tế bào gốc tủy xương tự thân trong điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não; quy trình phân lập, bảo quản, đánh giá chất lượng tế bào gốc tủy xương tự thân sử dụng trong điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã chỉ định quy trình sử dụng tế bào gốc tủy xương tự thân qua đường tĩnh mạch ngoại vi điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não; chỉ định quy trình sử dụng tế bào gốc tủy xương tự thân qua đường can thiệp nội mạch điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, nhóm bệnh nhân được truyền tế bào gốc có kết quả tốt hơn, hồi phục nhanh hơn nhóm chứng tại thời điểm thống kê.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng truyền tế bào gốc tủy xương tự thân đường động mạch và tĩnh mạch là phương pháp an toàn trong điều trị và theo dõi sau 6 tháng, không có khác biệt về biến cố bất lợi và tỷ lệ tử vong giữa nhóm điều trị và nhóm chứng.
Theo các chuyên gia trong Hội đồng Khoa học và công nghệ đánh giá nghiệm thu đề tài, nghiên cứu đã đưa ra phương pháp hiệu quả trong cải thiện chức năng cho bệnh nhân nhồi máu não, giảm bớt các chi phí điều trị cho phục hồi chức năng.
Bên cạnh đó, việc trả lại chức năng cho bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân có thể quay lại với công việc đã giúp giảm gánh nặng phụ thuộc, giúp giảm chi phí cho người bệnh.
Kết quả của đề tài cải thiện chức năng của các bệnh nhân đột quỵ não cũng như tiềm năng sẵn sàng ứng dụng, chuyển giao cho các cơ sở y tế khác đã và sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh nói riêng, giảm bớt gánh nặng về chăm sóc y tế, phúc lợi, cũng như nhiều vấn đề xã hội khác nói chung./.