TEPCO đo nhầm dữ liệu phóng xạ ở nhà máy Fukushima 1

Công ty Điện lực Tokyo sẽ xem xét lại một lượng “khổng lồ” dữ liệu phóng xạ mà công ty này thu thập được tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
TEPCO đo nhầm dữ liệu phóng xạ ở nhà máy Fukushima 1 ảnh 1Bốn lò phản ứng hạt nhân và nhiều bồn chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 2/2013. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 7/2 cho biết sẽ xem xét lại một lượng “khổng lồ” dữ liệu phóng xạ mà công ty này thu thập được tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bởi các chỉ số đo được có thể thấp hơn so với những con số thực tế do đo lường không đúng.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn của TEPCO Masayuki Ono cho biết: “Chúng tôi rất xin lỗi nhưng chúng tôi đã phát hiện ra những trường hợp mà ở đó các chỉ số phóng xạ đo được bị sai khi nồng độ phóng xạ của mẫu thử ở mức cao”. Các vật liệu phát ra tia phóng xạ beta bao gồm cả stronti-90.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi TEPCO ngày 6/2 thông báo đã phát hiện mẫu nước ngầm được lấy từ một giếng nước tại nhà máy hồi tháng 7/2013 có hàm lượng phóng xạ cao kỷ lục tới 5 triệu becquerel (bql)/lít chất phóng xạ stronti-90. Công ty điện lực này ban đầu cho biết trước đó đã phát hiện 900.000 bql các chất phát ra tia beta.

Ông Ono cũng khẳng định thông tin được xem xét lại là “khổng lồ” theo đó TEPCO có kế hoạch kiểm tra dữ liệu từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 3/2011 và cho đến tháng 10/2013, thời điểm hãng điều hành nhà máy bị hư hại này chuẩn bị các hướng dẫn sử dụng về thủ tục đo lường thích hợp.

Dữ liệu cần kiểm tra bao gồm cả nồng độ phóng xạ của khoảng 300 tấn nước được tìm thấy từ bể chứa hồi tháng 8/2013. TEPCO đã đo được 80 triệu bql/lít tia phóng xạ beta từ nước rò rỉ, mà một phần trong đó được cho là đã chảy vào Thái Bình Dương.

TEPCO quy kết những nhầm lẫn trong đo đạc cho cái gọi là hiện tượng “đếm thiếu” xảy ra tại các bộ cảm ứng khi phóng xạ phát ra từ một mẫu vật ở mức quá cao. Trong trường hợp đó, cách làm thích hợp là phải pha loãng mẫu nước này để cho bộ cảm ứng có thể đo chính xác bức xạ.

Ông Ono cho biết nếu hiện tượng “đếm thiếu” không được tính đến, dữ liệu đo được sẽ thấp hơn so với con số thực tế. Trong khi đó, TEPCO tin rằng dữ liệu trong nước biển và các dung dịch có mức nhiễm xạ thấp hơn khó có thể gặp phải sai sót nêu trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục