Thách thức cho phát triển giáo dục Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ

Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường và tỷ lệ học sinh nhập học đại học của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ thấp nhất cả nước. Vùng này cũng có nhiều chỉ số thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.
Thách thức cho phát triển giáo dục Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ ảnh 1Giáo dục khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ vẫn còn nhiều thách thức. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng giáo dục khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ vẫn còn nhiều chỉ số thấp hơn mức bình quân cả nước, còn những thách thức phải nỗ lực vượt qua. Đây là nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay, ngày 14/7, tại Quảng Trị.

Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường thấp nhất cả nước

Báo cáo tại hội nghị về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết trong giai đoạn 2011-2022, giáo dục vùng đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể như quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng. Toàn vùng hiện có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Các địa phương đã chú trọng công tác huy động trẻ đến trường và học sinh nhập học đúng độ tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp học đều gia tăng. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng dần hằng năm và cao hơn so với bình quân của cả nước. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực khi chiếm tới trên 23% số học sinh đoạt giải cuộc thi học sinh giỏi quốc gia cũng như các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế.

Thách thức cho phát triển giáo dục Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ ảnh 2Hội nghị có sự tham dự và phát biểu tham luận của lãnh đạo các địa phương trong vùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, vùng vẫn còn nhiều chỉ tiêu cần cải thiện. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo và trẻ 5 tuổi đều thấp hơn so với bình quân của cả nước và không đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường của vùng thấp nhất cả nước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học đều thấp hơn bình quân của cả nước.

Tỷ lệ trường, lớp học kiên cố hóa của vùng thấp hơn 0,5% so với trung bình cả nước. Tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu thấp hơn 0,1% so với trung bình cả nước.

[Chiến lược phát triển giáo dục cần mang tính hành động nhiều hơn]

Mặc dù kết cấu hạ tầng các cấp học đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, vẫn còn 1.036 phòng học nhờ, mượn (chiếm 17,4% tổng số phòng học nhờ, mượn trên cả nước), tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.

Năm học 2021-2022, toàn vùng có 258.255 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng 12.598 giáo viên so với năm học 2010-2011. Tuy nhiên, giống như các vùng khác, tỷ lệ giáo viên/lớp các cấp học trong vùng đều thấp hơn định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu tại các địa phương, trường học.

Thách thức cho phát triển giáo dục Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ ảnh 3Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay giáo dục vùng đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều chỉ số thấp hơn trung bình cả nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỷ lệ học sinh lên lớp cấp trung học phổ thông của vùng thấp nhất cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông đều thấp hơn so với quân cả nước. Tỷ lệ lao động có bằng cấp thấp hơn 0,3% so với mức bình quân chung của cả nước.

Tăng nguồn lực đầu tư

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa, Phú Yên, Thừa Thiên Huế đã có các ý kiến trao đổi tập trung làm rõ những kết quả và những khó khăn, hạn chế, giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo của từng địa phương, gắn với phát triển giáo dục vùng trong thời gian tới.

Các ý kiến tập trung vào vấn đề tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bổ sung biên chế giáo viên và có cơ chế chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tiếp tục có chính sách khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chính sách phân luồng sau trung học cơ sở, quan tâm chính sách và nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên…

Đại diện một số cơ sở giáo dục đại học trong vùng kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu trên cơ sở Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để có các chính sách tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần sớm có quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trong vùng, qua đó nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết 26 đặt ra những định hướng phát triển rất quan trọng, mục tiêu cao và kỳ vọng lớn với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó xác định giải pháp đột phá là phát triển nguồn nhân lực. Với định hướng và mục tiêu như vậy, theo Bộ trưởng những nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. “Chúng ta cần xác định kết quả giáo dục sẽ rất quan trọng trong thực hiện thành công Nghị quyết 26”, Bộ trưởng nêu rõ.

Thách thức cho phát triển giáo dục Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ ảnh 4Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh kết quả giáo dục sẽ rất quan trọng trong thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cho rằng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có các đặc điểm khác với các vùng còn lại, do đó định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của vùng phải có điểm riêng. Theo đó, đây là vùng đa dạng với ba tiểu vùng rõ nét, vì vậy, ngoài liên kết vùng còn phải quan tâm đến liên kết tiểu vùng, vừa quan tâm phát triển giáo dục mũi nhọn, vừa tính đến công bằng trong giáo dục cho các vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm đảm bảo cơ sở vật chất và hướng tới hiện đại hoá cơ sở vật chất; tập trung quy hoạch phát triển giáo dục đại học, cao đẳng; phát triển đội ngũ giáo viên về cả số lượng và chất lượng; phát triển trường nội trú, quan tâm giáo dục dân tộc, đảm bảo chất lượng giáo dục miền núi, vùng khó khăn, hải đảo; quan tâm tới giáo dục chuyên biệt, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.

Là vùng có tỷ lệ người học đại học thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng, các địa phương cần có giải pháp để tăng tỷ lệ này, trong đó có giải pháp về đầu ra, việc làm để gia tăng người học đại học. Đây là vấn đề dân trí nhưng cũng là nhân lực chất lượng cao.

Về một số nhiệm vụ trước mắt các địa phương cần tập trung, Bộ trưởng lưu ý tới việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các năm tiếp theo; chuẩn bị tốt cho cho năm học mới, trong đó có vấn đề đảm bảo cung ứng đầy đủ sách giáo khoa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục