Thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc

Trung Quốc, công xưởng của thế giới về sản xuất máy móc điện tử và điện thoại thông minh, cũng đang chứng kiến các ngành sản xuất trong lĩnh vực này rơi vào tình trạng khó khăn.
Thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: amcham-shanghai)

Báo Nikkei của Nhật Bản ngày 11/12 có bài viết với tiêu đề "Dịch chuyển ra nước ngoài, nút thắt kỹ thuật và khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc," trong đó chỉ ra những thách thức thực tế đang diễn ra tại các doanh nghiệp Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo Nikkei, Hội chợ Hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc vừa được tổ chức tại thành phố Quảng Châu trong tháng 10 và 11 vừa qua đã cho thấy khó khăn của các doanh nghiệp nước này khi muốn dịch chuyển sản xuất nhưng lại gặp các rào cản như thiếu vốn, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp...

Mỹ từ ngày 15/12 có khả năng sẽ áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng như điện thoại thông minh, đồ chơi trẻ em... của Trung Quốc, điều này sẽ khiến ngành sản xuất của Trung Quốc gặp khó khăn hơn nữa.

Một nhà sản xuất, buôn bán quần áo tại khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) cho biết năm tới, doanh nghiệp của ông sẽ phải "chuẩn bị để đối phó với những ảnh hưởng xấu từ các biện pháp áp thuế quan bổ sung mạnh hơn nữa của Mỹ."

Các mặt hàng của doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ bị áp thuế bổ sung từ giữa tháng 12 này.

Hiện ông đang cung cấp hàng hóa cho nhiều khách hàng Mỹ, và các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất cũng chưa bị áp thuế bổ sung của Mỹ.

Công ty của ông sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc và xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 20%.

[Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc đang trục trặc lớn hơn dự báo]

Nếu bị áp thuế bổ sung, hoạt động kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng lớn. Công ty này cho biết "dù có dịch chuyển sản xuất, song hiệu quả của việc đầu tư có lẽ là thấp, vì các địa chỉ để dịch chuyển đều có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp."

Tại một công ty khác chuyên sản xuất quần áo bò tại Quảng Châu, giá sản phẩm của công ty đã tăng lên khi Mỹ áp thuế bổ sung bắt đầu từ tháng Năm năm nay, từ đó hầu như không có đơn đặt hàng thêm từ Mỹ - thị trường trước đây là chủ lực.

Để duy trì đơn đặt hàng từ Mỹ, các công ty ở Quảng Châu đã dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, Pakistan để tránh thuế bổ sung của Mỹ.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quy mô nhỏ với số nhân công khoảng vài chục người dù đã nỗ lực làm như vậy, song việc mở các cơ sở sản xuất mới ở nước ngoài là rất khó khăn. Hiện nay, các doanh nghiệp này đang phải tìm kiếm các thị trường mới ngoài Mỹ.

Trung Quốc, công xưởng của thế giới về sản xuất máy móc điện tử và điện thoại thông minh, cũng đang chứng kiến các ngành sản xuất trong lĩnh vực này rơi vào tình trạng khó khăn.

Dự kiến đến ngày 15/12, thuế quan bổ sung sẽ tiếp tục được áp đối với các mặt hàng điện thoại thông minh, máy tính bảng….

Các nhà sản xuất cho biết "việc chuẩn bị nhà máy sản xuất ở nước ngoài và quyết định dịch chuyển sản xuất vẫn đang được xem xét, và cần hành động nhanh chóng dựa trên kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung."

Giám đốc cấp cao của Panasonic Tanaka Toshihide, doanh nghiệp Nhật Bản có hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực điện-điện tử, cho biết hãng đang theo dõi xu hướng của khách hàng.

Thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc ảnh 2Biểu tượng Panasonic. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng đang đặt mục tiêu cho dù phải dịch chuyển sản xuất cũng cố gắng duy trì sản xuất không bị gián đoạn.

Dự kiến thuế quan bổ sung của Mỹ đối với các mặt hàng như máy trò chơi điện tử, đồ chơi… sẽ được áp dụng vào giữa tháng 12 này, vì vậy các doanh nghiệp liên quan đang phải đau đầu tìm cách ứng phó.

Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, dịch chuyển khu vực sản xuất không phải là vấn đề đau đầu duy nhất. Họ còn lo ngại thương mại toàn cầu sẽ ảm đạm xuất phát từ những vấn đề như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chỉ số thương mại hàng hóa từ tháng 10-12 năm nay đã giảm dưới 100, mức giảm liên tiếp trong 5 quý gần đây.

Ngoài ra, theo Hiệp hội thương mại Quảng Châu, tổng giá trị các hợp đồng của nhà sản xuất Trung Quốc với nước ngoài năm 2019 là 29,288 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm trước.

Việc chuyển đổi chuỗi sản xuất ra ngoài Trung Quốc đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước này chậm lại.

Ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc từ lâu đã đóng vai trò là công xưởng của thế giới đang đối mặt với thách thức lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục