Mặc dù, sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức và phục hồi mạnh mẽ.
Chín tháng qua, tăng trưởng GDP đạt 8,83%. Dự kiến cả năm 2022, tăng trưởng GDP đạt từ 7,5-8%, vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ 6-6,5%.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% của cả giai đoạn 2021-2025, bình quân tăng trưởng những năm còn lại phải đạt khoảng 7,4-7,5%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế của năm 2022 và những năm tiếp theo, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế bị thu hẹp, đầu tư, thương mại toàn cầu giảm sút. Vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có phải được dự báo đạt thấp hơn so với dự báo trước đây không, thưa bà?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Theo nhận định của các tổ chức quốc tế gần đây nhất, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo thấp hơn từ 0,5-1,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại; gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang; thiên tai, dịch bệnh...
Cụ thể, bình quân giai đoạn 2015-2019, kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2%. Tuy nhiên, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và xung đột vũ trang Nga-Ukraine, bình quân 3 năm 2020-2022 tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo đạt khoảng từ 1,6-1,8%, giảm một nửa so với bình quân của giai đoạn trước.
[Ngân hàng UOB nâng dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 8,2%]
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 giảm 3,3%; năm 2021 tăng 5,8% và dự báo cho năm 2022 tăng từ 2,4-3,2%. Cụ thể, năm 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng giảm 3,3% khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có mức tăng trưởng giảm, thậm chí giảm sâu như Tây Ban Nha tăng trưởng giảm 10,8%; Anh giảm 9,3%; Italy giảm 9%; Pháp giảm 7,9%; Canada giảm 5,2%; Hoa Kỳ giảm 3,4%...
Năm 2021, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở nhiều quốc gia, sản xuất và thương mại toàn cầu phục hồi trở lại. Kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2020, đạt 5,8%. Theo đó, hầu hết các quốc gia có mức giảm sâu năm 2020 đều trưởng cao trong năm 2021 như Tây Ban Nha có mức tăng trưởng đạt 5,1%; Anh đạt 7,4%; Italy đạt 6,6%; Pháp đạt 7%; Canada đạt 4,6%; Hoa Kỳ đạt 5,7%…
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, trong khi dịch COVID-19 chưa chấm dứt, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine nổ ra gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng, lương thực và một số hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng.
Do vậy, kinh tế thế giới được dự báo chỉ đạt từ 2,4-3,2%, giảm từ 1,1-1,5% so với dự báo trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm từ mức 4,1% trong dự báo vào thời điểm đầu năm 2022 xuống còn 2,9% trong dự báo tháng 9/2022.
Fitch Ratings đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống chỉ còn 2,4%, điều chỉnh giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2022.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định: tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2022 đạt 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra tháng 12/2021.
- Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng. Vậy, đâu là động lực tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 9 tháng qua, thưa bà?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng, lương thực, tài chính. Dự báo và đánh giá tích cực của các Tổ chức quốc tế và kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua của Việt Nam đã cho thấy rõ điều đó.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3 và 9 tháng thể hiện tích cực ở tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; trong đó, nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 3%, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống nhân dân, lạm phát được kiểm soát với nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào, đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mức tăng trưởng quý 3/2022 đạt 12,9% và 9 tháng đạt 9,4%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10,6%, xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dầu thô vẫn duy trì tốt, năng lượng điện tăng trưởng khá cao, đảm bảo nguồn năng lượng quan trọng cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Lĩnh vực dịch vụ, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, quý 3/2021 đã khôi phục. Một số ngành có tốc độ khôi phục vượt qua mốc của năm 2019, chỉ còn một số ngành tăng trưởng thấp hơn năm 2019. Đó là, dịch vụ ăn uống, hoạt động hành chính, dịch hỗ trợ và hoạt động dịch vụ khác. Cùng với đó, có một số ngành có mức tăng trưởng quý 3/2022 trên 20% như bán buôn bán lẻ, vận tải và một số ngành khác. Đây là bức tranh tích cực của kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2022.
Tăng trưởng ấn tượng của kinh tế 9 tháng qua là nhờ tổng cầu trong nước tăng mạnh; đặc biệt là tổng cầu dịch vụ và xuất khẩu… Cùng với đó là những chính sách, giải pháp linh hoạt kịp thời, hiệu quả của Chính phủ.
- Trước những ảnh hưởng của kinh tế thế giới, tình hình địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, bà dự báo như thế nào về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Theo dự báo của tôi, tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm không quá nặng nề khi chúng ta tích cực duy trì được một số nền tảng và dư địa 9 tháng qua. Cùng với đó, gói phục hồi kinh tế sẽ được triển khai mạnh mẽ trong quý 4/2022, trong bối cảnh các ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong quý 4/2022.
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế thế giới hiện nay rất khó lường và tới đây, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục phức tạp. Cùng với đó, thiên tai bão lũ, lạm phát… khiến cầu tiêu dùng trên thế giới suy giảm, làm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Đặc biệt, độ mở nền kinh tế Việt Nam hiện khá lớn nên ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tất cả hoạt động sản xuất, đời sống của doanh nghiệp, người dân.
Nhưng tôi tin rằng với sự linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố, duy trì để khai thác tốt nội lực nền kinh tế, duy trì khả năng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% trong năm 2022 là mức Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
- Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo bà, Việt Nam cần làm những gì để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% trong giai đoạn này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Năm 2023, kinh tế thế giới được hầu hết các Tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn. Tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, … có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.
Giai đoạn 2015-2019, kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá, bình quân mỗi năm tăng 7,09%. Tuy nhiên, năm 2020 và năm 2021 do tác động của dịch COVID-19 nên kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,87% và 2,56% so với năm trước. Bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ với 9 tháng tăng trưởng GDP đạt 8,83%. Dự kiến cả năm đạt từ 7,5-8%, vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ 6-6,5%.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng bình quân 3 năm (2020-2022) của Việt Nam chỉ đạt từ 4,28-4,45%, thấp hơn nhiều so với bình quân 5 năm trước đó là 7,09%.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% của Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025, Tổng cục Thống kê dự báo có 2 phương án xảy ra. Phương án 1 là nếu tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 7,5%, tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm 2021-2022 sẽ đạt 5%. Do đó, để đạt được cận dưới mục tiêu tăng trưởng (6,5%), mức tăng trưởng bình quân 3 năm còn lại là 7,51%.
Phương án 2 là nếu tốc độ tăng trưởng 2022 đạt 8%, tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 5,25%. Do đó, để đạt được cận dưới mục tiêu tăng trưởng 6,5%, mức tăng trưởng bình quân 3 năm còn lại cần đạt 7,35%.
Như vậy, theo 2 phương án này, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của giai đoạn 2021-2025, bình quân tăng trưởng những năm còn lại phải đạt khoảng 7,4-7,5%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với Việt Nam, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Do đó, nước ta cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của nước ta trên tầm cao mới.
-Xin cảm ơn bà!./.