Thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ lớn và kéo dài hơn

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách của nước này sẽ lớn hơn và kéo dài hơn nhiều so với dự báo trước đây.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách của cường quốc số một thế giới sẽ lớn hơn và kéo dài hơn nhiều so với những dự báo trước đây.

Dự tính mới của CBO, được xây dựng trên dự toán ngân sách mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho thấy nếu dự toán ngân sách mới của chính phủ được quốc hội thông qua, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ sẽ lên mức kỷ lục là 1.500 tỷ USD trong năm 2010 và giảm xuống còn 1.300 tỷ USD trong năm 2011.

Mức thâm hụt này sẽ tương ứng với 10,3% và 8,9% GDP. Vào năm 2014, thâm hụt ngân sách sẽ giảm dần xuống còn 4% GDP song sẽ liên tục tăng trong những năm sau đó.

Dự tính mới nhất của CBO cho rằng đến năm 2020, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lên đến 5,6% GDP, cao hơn 2,6% so với dự báo trước đây. Như vậy, tổng thâm hụt ngân sách trong giai đoạn từ năm 2011-2020 của Mỹ sẽ lên tới 9.800 tỷ USD, tương đương 5,2% GDP, cao hơn dự tính trước đây tới 3.800 tỷ USD.

Trong khi đó, ngày 15/3, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ Christopher Dodd đã công bố dự luật cải cách tài chính mới, với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn.

Theo dự luật trên, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ được quyền kiểm tra bất cứ tập đoàn ngân hàng và tài chính nào có tài sản lớn hơn 50 tỷ USD, và có quyền buộc các ngân hàng phải cắt giảm hoặc đình chỉ các hoạt động giao dịch có nhiều rủi ro. Các tập đoàn tài chính lớn phải ký quỹ 50 tỷ USD dự phòng nhằm giải cứu công ty khi bị thất bại. Các quỹ đầu tư lớn sẽ phải đăng ký hoạt động với chính phủ.

Dự luật còn đề xuất thành lập Vụ bảo vệ người tiêu dùng thuộc FED, có nhiệm vụ đưa ra những quy định mới giám sát hoạt động cho vay tín dụng, thế chấp và các dịch vụ tài chính khác của các công ty.

Bên cạnh đó, một Hội đồng giám sát tài chính mới, gồm chín thành viên, do Bộ trưởng Tài chính làm chủ tịch, cũng sẽ được thành lập nhằm phát hiện, giám sát và kiến nghị xử lý các tổ chức tài chính và các hoạt động tài chính-ngân hàng có nhiều rủi ro.

Như vậy, dự luật này sẽ trao cho chính phủ nhiều công cụ hơn để buộc các ngân hàng phải cắt giảm các hoạt động cho vay có nhiều rủi ro. Chính phủ có quyền thâu tóm, chia nhỏ hoặc giải thể các công ty tài chính bị thất bại.

Thượng nghị sỹ Dodd cho rằng dự luật trên được đưa ra nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra một vụ khủng hoảng tài chính có quy mô rộng lớn như thời gian vừa qua. Ông cho biết một trong những yếu tố cơ bản của dự luật là không để cho bất cứ tổ chức tài chính nào trở thành quá lớn, có quá nhiều mối liên kết và quá phức tạp tới mức nếu xảy ra rủi ro, người đóng thuế Mỹ sẽ phải cứu trợ.

Dự kiến, dự luật trên có thể sẽ được đưa ra Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào tuần tới và nếu thuận lợi, nó sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước phiên họp toàn thể của Thượng viện vào cuối tháng 4.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Obama đã tái cam kết thành lập một cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng độc lập trong khi chính phủ đang hối thúc Quốc hội đẩy nhanh tiến trình cải tổ nguyên tắc tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục