Thằn lằn trong thực đơn của người Arab

Thằn lằn từng có trong chế độ ăn uống của người Arab?

Trong một nghiên cứu mới đây, nhà khảo cổ động vật Herve Monchot khẳng định thằn lằn có trong chế độ ăn uống của người Arab.
Thằn lằn từng có trong chế độ ăn uống của người Arab? ảnh 1Thằn lằn thuộc loại đuôi gai tên là Uromastyx aegyptia. (Nguồn: livescience.com)

Những người theo đạo Hồi bị cấm ăn thịt các loài bò sát. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy những người sống trong các sa mạc ở Saudi Arabia đã từng "tiêu thụ" loại thực phẩm này.

Theo đồng tác giả nghiên cứu Herve Monchot, nhà khảo cổ động vật của Đại học Sorbonne (Paris), mặc dù các tài liệu lịch sử và nhân loại học đã từng đề cập đến hương vị của các món ăn từ loài này, những phát hiện từ nghiên cứu mới đây là bằng chứng đầu tiên khẳng định sự có mặt của thằn lằn trong chế độ ăn uống của người Arab. Lý do họ ăn chúng là vì chúng “là một nguồn thực phẩm rất giàu protein,” Monchot cho biết.

Cũng như Do Thái giáo có những luật lệ về các loại thực phẩm được phép ăn, đạo Hồi cũng có luật riêng về những thực phẩm gọi là “halal” (được phép ăn) và “haram” (bị cấm hoặc có tội nếu ăn). Những động vật như rắn và thằn lằn không chảy máu khi bị chặt thịt, do đó bị coi là “haram.”

Một số câu châm ngôn của nhà tiên tri Muhammad đã đề cập đến việc bộ tộc du cư Bedouin ăn thịt thằn lằn trong khi đạo Hồi đang phát triển. Mặc dù Muhammad không ăn thịt thằn lằn, nhưng ông cũng không chỉ trích việc này một cách công khai.

Một văn bản từ thế kỷ 11 của Nasir Khusraw, một người Ba Tư từng đi trên những con đường buôn bán cổ xưa cũng ghi lại việc những người đồng hành của ông ta bắt được thằn lằn và ăn thịt chúng.

Những tài liệu lữ hành của châu Âu sau này cũng đề cập đến việc da thằn lằn được dùng để làm bao đựng thuốc lá và bảo quản bơ, cũng như thịt của chúng được người địa phương tiêu thụ.

Monchot và các đồng nghiệp đã khai quật một vùng ốc đảo sa mạc ở Saudi Arabia tên là al-Yamama, một nơi từng có người sinh sống từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên đến những năm 1800. Khu khảo cổ từng là một phần của một khu phức hợp nhà thờ Hồi giáo, và tại đây có nhiều lớp thực phẩm thừa hóa thạch xen lẫn với xương dê và xương lạc đà.

Trong đống xương này, các nhà khoa học phát hiện ra 145 mẩu xương của một con thằn lằn thuộc loại đuôi gai tên là Uromastyx aegyptia. Loài thằn lằn này có thể đạt độ dài 70cm và được tìm thấy trên khắp các sa mạc ở Trung Đông. Xương của chúng được phát hiện ở nơi từng có con người sinh sống lâu dài, và một vết cắt trên xương chân cũng cho thấy việc chúng từng bị dao chặt vào.

Những người sống trong sa mạc có lẽ đã làm thịt và ăn những con thằn lằn này trong suốt 2.000 năm.

Một nghiên cứu mới đây về các tộc người du cư và các nông dân trong ốc đảo ở Oman cũng chỉ ra rằng họ thường săn thằn lằn bằng cách đào vào hang và bắt chúng ra hoặc đặt bẫy lưới bắt chúng. Họ cũng thường chặt đầu và chân chúng trước, do đó tạo ra những vết cắt tương tự như những gì tìm thấy ở khu khảo cổ.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa thịt thằn lằn là thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn của người Arab.

"Cần phải phân biệt rõ rằng người Bedouin đã và vẫn đang ăn thịt thằn lằn khi đi trong sa mạc vì đây là nguồn protein dễ tìm, nhưng người thành thị thì không ăn chúng," Monchot cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục