Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng Một vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 397 triệu USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nổi bật có 6 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 186 triệu USD, tăng 183% so với cùng kỳ năm 2013.
Các dự án đăng ký tăng vốn đầu tư lớn là dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Vsip Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 122 triệu USD. Đây là dự án do Singapore đầu tư với mục tiêu cung cấp dịch vụ quản lý khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ tại Hải Phòng.
Tiếp đến là dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Midea Consumer Electric (Việt Nam) tại Bình Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư 40 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị điện gia dụng và các linh kiện.
Cũng trong tháng Một, cả nước có 40 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 211 triệu USD, bằng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng này, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 465 triệu USD, tăng 3,3% với cùng kỳ năm trước đó.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong tháng Một vừa qua dự kiến đạt 6,78 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65,83% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng Một, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 9 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với 25 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 189,04 triệu USD, chiếm 47,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng.
Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 176,33 triệu USD, chiếm gần 44,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực vận tải kho bãi với 2 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 17,05 triệu USD.
Hiện, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong tháng Một. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 132,65 triệu USD, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 88,8 triệu USD, chiếm 22,36% tổng vốn đầu tư; Hong Kong đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 44 triệu USD, chiếm 11,08% tổng vốn đầu tư.
Hải Phòng đang là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2 dự án điều chỉnh tăng vốn là 123,3 triệu USD, chiếm 31,05% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 71,32 triệu USD, chiếm 17,96%. Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ ba, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 61,54 triệu USD./.