Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn hàng hải khi thi công dự án sân golf

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn FLC khẩn trương lập và trình phương án đảm bảo an toàn hàng hải khi thi công dự án sân Golf và khu nghỉ dưỡng FLC Samson Golf Links.

Ngày 10/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn FLC chủ động đấu nối với Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, khẩn trương lập và trình phương án đảm bảo an toàn hàng hải trong quá trình thi công dự án sân Golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links, và phải hoàn thành trước 30/6.

Bất chấp quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc không được phép khai thác cát làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, an ninh trật tự trong khu vực và các quy định về bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần tập đoàn FLC vẫn thuê tàu hút ồ ạt, khai thác cát tại bãi cồn nổi xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), ở vị trí các phao số 3, 4 và 5, 6.

Thực trạng này đang gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, làm lệch dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ thống rừng ngập mặn và bãi ngao của ngư dân xã Hoằng Châu.

Từ ngày 4/5, Tập đoàn FLC đã khởi công thực hiện tổ hợp dự án sân Golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links. Đây là sân golf 18 lỗ dạng links trên với hệ thống cây xanh, thảm cỏ, hồ nước, câu lạc bộ, khách sạn, biệt thự cao cấp... có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Để thực hiện việc san lấp mặt bằng sân golf, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa có chủ trương cho Công ty cổ phần tập đoàn FLC khai thác cát khu vực phía Đông Nam đảo cồn nổi (xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa) và khu vực cồn cát ngoài Biển Đông.

Lợi dụng chủ trương này, Công ty cổ phần tập đoàn FLC đã khai thác cát bờ bắc cửa sông Mã, cách đảo cồn nổi khoảng 50m. Việc khai thác cát này gây ảnh hưởng không nhỏ đến luồng lạch ra vào của tàu, thuyền.

Theo quan sát của phóng viên, ngay tại vị trí phao số 3, 4 và phao số 5, 6 có đến sáu tàu có dung tích 120m3 đang thực hiện việc khai thác cát sai vị trí. Trên các tàu vỏ sắt trang bị máy hút cát công suất lớn, đang chạy hết công suất để hút cát đổ vào khoang tàu. Trên các tàu này đều cắm cờ có logo của tập đoàn FLC.

Một chủ tàu hút cát cho Công ty cổ phần tập đoàn FLC cho biết Công ty cổ phần tập đoàn FLC có thuê bốn tàu hút cát để đổ lên mặt bằng sân Golf ở xã Quảng Cư. Mỗi m3 cát có giá 27.000 đồng.

Ông Nguyễn Duy Dũng, Giám đốc cảng vụ Hàng hải tỉnh Thanh Hóa, cho biết việc Công ty cổ phần tập đoàn FLC hút cát ngay ở vị trí các phao là sai quy định bởi sẽ làm lệch dòng chảy, ảnh hưởng đến các phương tiện tàu, thuyền ra vào các cảng cá. Hơn nữa, việc khai thác cát này dễ ảnh hưởng đến an ninh trật tự do chồng lấn lên vị trí khơi thông luồng lạch của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long. Trước đó, lực lượng cảng vụ hàng hải có đi kiểm tra các tàu hút cát của Công ty cổ phần FLC, nhưng các chủ tàu này không xuất trình được đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Theo quan sát của phóng viên, tàu hút cát của Công ty cổ phần tập đoàn FLC cũng thực hiện việc hút cát sát rừng ngập mặn (chỉ cách rừng ngập mặt khoảng 50-70m). Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chỉ sau một thời gian, rừng ngập mặn sẽ bị mất chân đế, gây ra tình trạng sạt lở. Các cây sú, vẹt sẽ bị sóng biển cuốn trôi, ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái. Điểm hút cát của các tàu cũng ngay sát bãi ngao rộng 20 ha của các hộ dân xã Hoằng Châu. Việc làm này cũng làm sạt lở bãi ngao của ngư dân, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của ngao.

Ông Phùng Đình Ảnh, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa), cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh có chủ trương cho Công ty cổ phần tập đoàn FLC khai thác cát để san lấp mặt bằng sân golf, tuy nhiên công ty này phải lập phương án khai thác cát và phải đảm bảo điều kiện về an ninh, con người mới được phép khai thác. Khi khai thác cát, Công ty phải khoanh vùng và cắm cột mốc xác định ranh giới khai thác cát. Trên thực tế, Công ty cổ phần tập đoàn FLC khai thác cát không cắm mốc xác định ranh giới, vị trí khai thác là sai quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục