Thanh Hóa: Mưa lớn trên diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông

Theo báo cáo nhanh, tính đến 17 giờ ngày 27/9, mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông và gây ra một số thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa: Mưa lớn trên diện rộng ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông ảnh 1Mưa lớn tại miền Trung. (Ảnh minh họa: Mai Trang/TTXVN)

Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai, Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ Dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 25/9 đến chiều 27/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng.

Lượng mưa phổ biến đo được từ 150-200mm, một số nơi đo được lượng mưa lớn nhất như Trạm khí tượng Như Xuân (huyện Như Thanh) 281,6mm; Trạm khí tượng Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) 276,3mm; Trạm khí tượng Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn) 247mm; Trạm thủy văn Lèn (huyện Hà Trung), Trạm khí tượng Yên Định (huyện Yên Định) 239mm...

Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong đó mực nước sông Yên tại Trạm thủy văn Chuối (huyện Nông Cống) đã đạt mức báo động 1 +2 m vào lúc 11 giờ ngày 27/9.

Mực nước các sông khác như sông Cầu Chày đạt +7.49 m (dưới báo động 1: 0,51m); sông Chu đạt +14.58 m (dưới báo động 1 0,42m ) và đang có xu hướng tiếp tục lên.

Theo báo cáo nhanh, tính đến 17 giờ ngày 27/9, mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông và gây ra một số thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh.

[Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh chủ động ứng phó với mưa lớn]

Trên các tuyến Quốc lộ ủy thác do tỉnh Thanh Hóa quản lý đã sạt taluy dương tại 3 vị trí, với khối lượng khoảng 950m3 trên các tuyến Quốc lộ 15C, QL.217; xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến Quốc lộ 217B với chiều dài khoảng 40m3; sa bồi mặt đường tại 8 vị trí trên tuyến Quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 70m3... Các tuyến đường tỉnh 506, 520D, 523E, 514, 505B bị sạt taluy dương tại 12 vị trí với khối lượng khoảng 650m3, giao thông đi lại bình thường.

Ngoài ra có hàng chục vị trí bị xói lở, sa bồi mặt đường, lề đường... Đáng lưu ý, mưa lớn kéo dài đã khiến 20 hộ ở huyện Thường Xuân bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất.

Mưa lớn cũng gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng, các khu vực ngập lụt đang được tiêu úng qua các trạm bơm, các cống tiêu tự chảy.

Tổng diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891 ha ở huyện Thạch Thành 97,5ha; huyện Hà Trung 650ha; huyện Như Xuân 55ha; huyện Thường Xuân 40,65ha...

Diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520 ha. Toàn tỉnh Thanh Hóa đang vận hành 21 trạm bơm tiêu và các cống tiêu tự chảy đảm bảo tiêu úng cho các khu vực ngập lụt.

Hiện, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các ngành, đơn vị liên quan đã, đang tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trong 24 giờ tới mực nước trên các sông tiếp tục lên. Mực nước trên Sông Yên tại Chuối, sông Âm tại Lang Chánh có khả năng đạt mức báo động 2; Sông Cầu Chày tại Xuân Vinh (huyện Thiệu Hóa), sông Bưởi tại Thạch Quảng, Kim Tân (huyện Thạch Thành) có khả năng đạt mức báo động 1. Hạ lưu sông Mã, sông Chu dưới mức báo động 1.

Cảnh báo trong 24 giờ tới mực nước trên các sông tiếp tục lên, đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị.

Lũ trên các sông suối lên nhanh có thể ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động, như: giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các bãi, bờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục