Thanh Hóa nỗ lực đưa môn Tin học vào giảng dạy theo đúng kế hoạch

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 600 trường tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên môn Tin học, nếu bố trí mỗi trường tiểu học một giáo viên Tin học thì toàn tỉnh đang thiếu 420 giáo viên.
Thanh Hóa nỗ lực đưa môn Tin học vào giảng dạy theo đúng kế hoạch ảnh 1Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đang loay hoay tìm giải pháp khi thiếu cả giáo viên lẫn cơ sở vật chất phục vụ môn học này. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2022-2023, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc của học sinh lớp 3. Yêu cầu này đang đặt ra nhiều khó khăn, lúng túng cho các trường, đặc biệt là ở miền núi, vùng cao. Để triển khai dạy môn Tin học theo chương trình mới, ngành giáo dục Thanh Hóa đang nỗ lực sắp xếp đội ngũ và đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đưa môn học vào giảng dạy theo đúng kế hoạch.

Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất không bảo đảm

Từ năm học 2022-2023, môn Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn thiếu cả giáo viên lẫn cơ sở vật chất phục vụ môn học này.

Theo thầy giáo Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu, huyện Mường Lát, việc Tin học trở thành môn học bắt buộc từ năm học 2022-2023 đang khiến các trường vùng núi, vùng sâu, vùng xa như Trường Tiểu học Quang Chiểu gặp nhiều khó khăn hơn.

Giáo viên dạy Tin học thiếu; trường chưa có phòng bộ môn, trang thiết bị máy tính phục vụ cho việc dạy và học. Học sinh lớp 3 học ở nhiều điểm trường và nhiều điểm chưa có điện lưới, Internet... nên việc bố trí dạy học ở các điểm lẻ rất khó.

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết, tình trạng thiếu giáo viên Tin học cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho môn học này đang là nguyên nhân khiến các trường gặp khó khăn. Phòng đã tham mưu cho huyện tuyển dụng bổ sung trong năm học này và đề xuất bố trí kinh phí để mua máy.

Do nguồn lực của huyện không thể đáp ứng được nên huyện đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ theo Chương trình giáo dục phổ thông. Trước mắt, các trường sẽ phân công thầy, cô giáo môn này đến các điểm trường dạy lý thuyết.

Tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy môn Tin học cũng là khó khăn của nhiều trường học các huyện miền xuôi.

Thầy giáo Đặng Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phong 3 (huyện Quảng Xương) chia sẻ, trên địa bàn huyện, cấp tiểu học hiện nay chỉ có duy nhất một giáo viên môn Tin học và Trường Tiểu học Tân Phong 3 nằm trong số trường không có giáo viên môn này.

[Việt Nam đạt thành tích cao tại Olympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương]

Trường có 10 máy tính được cấp cách đây gần 10 năm. Do ít sử dụng nên bảy máy đã hư hỏng, nếu sửa chữa cũng rất tốn kém. Nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương và có phương án xã hội hóa để mua máy mới; đồng thời cho một nhân viên thiết bị thư viện đi học thêm để tổ chức dạy học đạt kết quả trong năm học này. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, đa số các trường đáp ứng được trang thiết bị, tuy nhiên vẫn thiếu giáo viên dạy Tin học. Cô giáo Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa băn khoăn, nhà trường có đủ máy tính để phục vụ cho việc giảng dạy tin học ở bậc tiểu học, khó khăn lớn là thiếu giáo viên. Hiện nhà trường phải thuê giáo viên hợp đồng nhưng việc này cũng không dễ dàng.

Tập trung khắc phục khó khăn

Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, bậc Tiểu học có hai giáo viên dạy môn Tin học; trung học cơ sở có 15 giáo viên. Để đảm bảo điều kiện giảng dạy môn Tin học từ lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện đang có kế hoạch bố trí giáo viên dạy liên cấp.

Ông Nguyễn Tài Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc cho biết, năm học 2022-2023 Phòng sẽ bố trí giáo viên dạy liên cấp, đồng thời tham mưu cho huyện tuyển dụng thêm 5 giáo viên hoặc cử 5 giáo viên đi học văn bằng 2 để đảm bảo mỗi xã có một giáo viên dạy liên cấp.

Còn theo ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống, địa phương mong muốn tỉnh cho chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên môn Tin học, cấp bổ sung kinh phí hàng năm để tuyển giáo viên hợp đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cho phép các địa phương làm thủ tục mua sắm trang thiết bị một cách đơn giản và gọn nhẹ nhất trên cơ sở đúng quy định của pháp luật.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Trường Đại học Hồng Đức được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép và giao chỉ tiêu đào tạo thêm ngành sư phạm Tin học. Với truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển, nhà trường có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để đào tạo khoảng 100 chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ duyệt cho nhà trường 20 chỉ tiêu.

Thanh Hóa nỗ lực đưa môn Tin học vào giảng dạy theo đúng kế hoạch ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên nói chung, trong đó có giáo viên môn Tin học, tỉnh cần có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất giao thêm chỉ tiêu đào tạo. Bên cạnh đó, trên cơ sở nhu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể đặt hàng các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo giáo viên Tin học.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo thống kê tỉnh có 600 trường tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên môn Tin học. Nếu bố trí mỗi trường tiểu học một giáo viên Tin học thì toàn tỉnh đang thiếu 420 giáo viên.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 400 phòng tin học ở cả ba cấp học, tập trung chủ yếu ở cấp tiểu học. Nguyên nhân được xác định do từ trước đến nay, chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường đại học, Cao đẳng về đào tạo ngành sư phạm Tin học rất ít, không căn cứ theo nhu cầu của địa phương. Cử nhân Tin học lại không mặn mà về các trường dạy học do thu nhập thấp hơn nhiều so với làm bên ngoài.

Để đáp ứng chương trình dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo tận dụng tối đa mọi điều kiện để có thể đưa môn học vào giảng dạy theo đúng kế hoạch.

Trước mắt, các trường có thể linh hoạt sử dụng giáo viên dạy liên cấp; các trường có khoảng cách không quá xa có thể sử dụng chung một phòng Tin học... Về lâu dài, Sở đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh có kế hoạch đặt hàng các trường Đại học, Cao đẳng để đào tạo giáo viên môn Tin học theo nhu cầu của tỉnh.

"Tỉnh cần có cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ quay trở về giảng dạy tại địa phương. Về cơ sở vật chất, ngoài hỗ trợ của địa phương, các trường kêu gọi thêm xã hội hóa để từng bước đáp ứng nhu cầu," ông Trần Văn Thức cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục