Thanh Hóa: Sớm trùng tu, tôn tạo 2 tấm bia đá cổ thời Lê Trung Hưng

Hai tấm bia không chỉ có giá trị về lịch sử văn hóa, có tầm ảnh hưởng lớn đối với hai huyện Thọ Xuân và Nông Cống xưa mà còn là tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá, thư pháp tiêu biểu thời Lê Trung Hưng.
Thanh Hóa: Sớm trùng tu, tôn tạo 2 tấm bia đá cổ thời Lê Trung Hưng ảnh 1Dù có tuổi đời hàng trăm năm và được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia (tháng 12/1993) nhưng di tích này lại nằm trên mảnh đất của gia đình anh Dương Bá Hùng (thôn 2, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn). (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc 2 tấm bia đá cổ mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa đang bị lãng quên được phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh từ đầu tháng 8/2023, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Sơn khẩn trương có phương án, kế hoạch di dời, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho gia đình ông Dương Bá Hùng (làng Quần Trọng, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn), nơi có 2 hiện vật bia đá nói trên.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Quần thể Bia và lăng mộ Lê Thì Hiến được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử, nghệ thuật quốc gia vào tháng 12/1993.

Di tích gồm khu vực Từ - thờ Lê Thì Hiến và khu vực Từ Vũ - thờ Lê Thì Hải.

[Thanh Hóa: Hai tấm bia đá cổ trên 300 năm rơi vào cảnh "hẩm hiu"]

Theo lý lịch Quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa và Nghệ thuật Kiến trúc Điêu khắc Đá thuộc xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn do Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa lập tháng 6/1993, khu vực Từ Vũ là nơi thờ Lê Thì Hải, danh tướng thời vua Lê Gia Tông (1672-1675) và Lê Hy Tông (1676-1705)...

Đền thờ xưa gồm ngôi nhà thờ Lê Thì Hải và bố mẹ ông. Trên mảnh đất đó có 2 tấm bia đối diện nhau theo hướng Đông-Tây, cách nhau 45m, gồm bia "Lê tướng công sự nghiệp huân danh," dựng năm 1716 (Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12) ca ngợi công đức, tài thao lược của danh tướng Lê Thì Hải và bia "Vạn thế phụng tự" (tức bài ký ghi muôn đời phụng thờ).

Hai tấm bia không chỉ có giá trị về lịch sử văn hóa, có tầm ảnh hưởng lớn đối với hai huyện Thọ Xuân và Nông Cống xưa (nay là huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân) mà còn là tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đá, thư pháp tiêu biểu giai đoạn thời Lê Trung Hưng.

Thanh Hóa: Sớm trùng tu, tôn tạo 2 tấm bia đá cổ thời Lê Trung Hưng ảnh 2Tấm bia (đang được tận dụng làm tường rào) được ghép lại từ 6 phiến đá xanh, ghi lại công các tướng sỹ thời Hậu Lê và những người đã soạn, khắc, dựng nên văn bia này. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Hiện trạng 2 tấm bia nói trên đang nằm trên thửa đất số 767, diện tích 904m2 của nhà ông Dương Bá Hùng (làng Quần Trọng, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn). Trong đó, tấm bia "Vạn thế phụng tự" hiện đang được trưng dụng làm hàng rào giáp đường liên xóm và tấm bia "Lê tướng công sự nghiệp huân danh" nằm gần khu vực chăn nuôi nhà ông Hùng.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho biết căn cứ hồ sơ khoa học, hiện trạng thực tế của di tích và hiện vật thuộc di tích cũng như các quy định của pháp luật hiện hành, Sở đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Sơn, Ủy ban Nhân dân xã Thọ Phú làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích và hiện vật có giá trị thuộc di tích.

Địa phương vận động gia đình ông Dương Bá Hùng thường xuyên quan tâm, chủ động dọn vệ sinh môi trường khu vực xung quanh, bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo an toàn cho 2 bia đá.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Sơn cần khẩn trương có phương án, kế hoạch di dời, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để gia đình ông Hùng sớm bàn giao đất có di tích, hiện vật cho địa phương quản lý, bảo vệ.

Ngành sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Sơn lập dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đưa tin dù đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia từ năm 1993 nhưng 2 tấm bia đá cổ thuộc Di tích Lịch sử-Văn hóa Lê Thì Hải (Di tích Lịch sử, Nghệ thuật Quốc gia Quần thể Bia và lăng mộ Lê Thì Hiến, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang bị xuống cấp trầm trọng; nhiều năm qua vẫn chờ được bảo quản, trùng tu, tôn tạo...

Đáng lưu ý, di tích này nằm trên mảnh đất rộng gần 1.000m2 của gia đình ông Dương Bá Hùng (xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn); trong đó một tấm bia nằm gần khu chăn nuôi của gia đình và tấm còn lại được sử dụng làm tường rào trước nhà.

Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa tìm ra biện pháp để bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.

Người dân địa phương mong muốn các cấp chính quyền sớm quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo đúng mức để phát huy giá trị của Di tích Lịch sử-Văn hóa Lê Thì Hải và 2 tấm văn bia hàng trăm năm tuổi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục