Tổng hợp số liệu hàng tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán và lượng hấp thụ sản phẩm mới trên tỷ lệ lượng cung ra hai thị trường lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy giá trị hàng tồn kho bất động sản đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định lượng hàng tồn kho bất động sản tính từ đầu năm đến nay đang giảm dần.
Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư hoặc dự án được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật-xã hội...
['Thị trường bất động sản sẽ tăng tốc trong giai đoạn 2021-2022']
Dẫn chứng về lượng tồn kho bất động sản đang giảm dần, Bộ Xây dựng công bố số liệu tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo cho thấy, trong quý 3 đã có 36.884 giao dịch bất động sản thành công.
Riêng tại hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý 3, số lượng giao dịch thành công lần lượt đạt 2.966 giao dịch (tăng 119% so với quý 2) và 6.722 giao dịch thành công tăng 70,6%. Đây là mức tăng đáng ghi nhận kể từ đầu năm đến nay.
Phân loại theo vùng miền cho thấy khu vực miền Trung dẫn đầu với 14.582 giao dịch thành công, tiếp đến là miền Nam có 12.082 giao dịch thành công và miền Bắc là 10.220 giao dịch thành công.
Nhìn chung, các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân, số lượng giao dịch bất động sản cao cấp giảm hơn so với quý trước.
Qua tổng hợp số liệu cho thấy lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý 3 bình quân trên cả nước bằng khoảng 110-125% so với quý 2.
Lý giải về tín hiệu khởi sắc này, Bộ Xây dựng cho rằng các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện và bối cảnh hiện nay; đồng thời bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Cùng đó, hiện các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đã hoạt động trở lại. Tận dụng các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang lấy đà để phục hồi sau dịch bệnh COVID-19./.