Thành lập Câu lạc bộ Bảo tàng-Di tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

21 đơn vị bảo tàng, Ban quản lý di tích khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã gắn kết, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động bảo tồn và phát huy hệ thống di sản của từng địa phương.
Thành lập Câu lạc bộ Bảo tàng-Di tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Ra mắt Câu lạc bộ Bảo tàng-Di tích Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Chiều 20/5, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức Hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Bảo tàng-Di tích Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự hội nghị có ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo Bảo tàng, Ban Quản lý Di tích, Ban Quản lý Khu lưu niệm các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phát biểu nhấn mạnh, việc thành lập Câu lạc bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là "mái nhà chung" nhằm đẩy mạnh thực hiện hành trình kết nối di sản văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, gắn kết với phát triển du lịch.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động câu lạc bộ, trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm và các thành viên trong câu lạc bộ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề nhằm góp phần xây dựng Câu lạc bộ ngày càng vững mạnh, mở rộng ảnh hưởng, uy tín... ; tổ chức sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích của câu lạc bộ.

[Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống]

Theo ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, Câu lạc bộ Bảo tàng-Di tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi trong việc giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, điều hành giữa lãnh đạo các đơn vị, viên chức, người lao động; tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm chuyên môn kể cả sự tham gia của các đơn vị ngoài ngành như câu lạc bộ cổ vật, các doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số, từ đó tăng tính chủ động, sáng tạo, gắn kết giữa những người làm công tác di sản, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bảo tàng-Di tích các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã thảo luận, trao đổi đi đến thống nhất chung về nội dung quy chế, kế hoạch phối hợp họat động của câu lạc bộ, xã hội hóa nguồn kinh phí duy trì hoạt động, quy định đăng cai tổ chức sinh hoạt.

Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, lãnh đạo các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của khu vực.

Đây không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử-văn hóa của quá khứ mà còn trở thành nơi kết nối giữa quá khứ-hiện tại và tương lai, gắn với sự phát triển của xã hội.

21 đơn vị Bảo tàng, Ban quản lý di tích khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã gắn kết, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động bảo tồn và phát huy hệ thống di sản của từng địa phương.

Trong ngày đầu ra mắt, Câu lạc bộ Bảo tàng-Di tích Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề ‘‘Giới thiệu số hóa Bảo tàng-Di tích"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục