Được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là di Di sản Văn hóa Thế giới, Thành nhà Hồ đã và đang tiến những bước dài trên hành trình kết nối, quảng bá các giá trị văn hóa Việt; đưa hình ảnh con người xứ Thanh nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế. Đây là sự ghi nhận những nét đặc sắc mang tầm vóc và giá trị nổi bật toàn nhân loại của khu di tích và là sự khẳng định thiên tài sáng tạo cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong quá trình giao lưu và phát triển văn hóa dân tộc. Niềm tự hào đất Việt Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, Thành nhà Hồ còn được gọi là thành Tây Đô hoặc thành Tây Kinh, thành An Tôn, thành Tây Giao, Thạch Bàn (thành Đá) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo Tiến sỹ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ: “Công trình đã cho thấy trình độ kỹ nghệ xây thành, nổi bật là kỹ xảo xây dựng đã lớn của người Việt thời kỳ đó thời kỳ đó đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt hơn, nó cho thấy tài năng, nghệ thuật tổ chức của Hồ Quý Ly đã đạt tới độ khoa học, đại diện cho phương thức tổ chức của chính quyền quân chủ tân nho giáo ở các nước phương Đông lúc bấy giờ.” Thế đất được chọn nằm ở khu vực giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi. Quần thể Di sản thế giới Thành nhà Hồ bao gồm tòa Hoàng thành đá, đàn tế Nam Giao, La Thành, phản ánh sự trao đổi những giá trị nhân văn quan trọng giữa Việt Nam và các nước Đông Á, Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XIV-đầu thế kỷ XV. Nhà sử học Phan Huy Lê đánh giá: “Thành nhà Hồ là một kiến trúc kinh thành quy mô lớn, đặc biệt Hoàng Thành, Đàn Nam Giao xây bằng đá rất bền vững và kiên cố. Giá trị độc đáo bậc nhất của thành Nhà Hồ là tòa kinh thành xây bằng đá”. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng từ những phiến đá vôi màu xanh, dài trung bình khoảng 1,5m, có tấm dài tới 6m,, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính. Trải qua hơn 600 năm với những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết nhưng hệ thống tường bao quanh thành nhà Hồ gần như vẫn còn nguyên vẹn dù thời gian xây dựng khá gấp rút, chỉ trong khoảng 3 tháng. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cùng với việc bảo tồn những giá trị nổi bật toàn cầu, làm thế nào để phát huy, quảng bá giá trị di sản tới bạn bè trong nước và quốc tế, phát triển du lịch, nâng cao chất lượng của cuộc sống nhân dân quanh vùng di sản đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với Thanh Hóa hiện nay. Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo theo đúng pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về di sản thế giới. Thanh Hóa đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tiến hành khai quật khảo cổ học ở khu vực đàn tế Nam Giao, cổng nam Thành nhà Hồ, khu vực công trường khai thác đá An Tôn; quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường, triển khai chống rò rỉ nước, sụt lở và có phương án phòng chống thiên tai tác động tới Thành nhà Hồ. “Công tác nghiên cứu, bảo tồn được xác định là công tác chiến lược quan trọng nhất đối với di sản Thành nhà Hồ trong kế hoạch quản lý,” ông Việt nhấn mạnh. Đồng thời, “chúng tôi đã xây dựng chương trình phát triển du lịch đến 2020. Việc xây dựng các kế hoạch phát huy giá trị di sản đều được các chuyên gia tư vấn và UNESCO khuyến nghị thực hiện theo chiến lược phát triển bền vững, du lịch xanh. Trong tương lai gần, khi quy hoạch tổng thể và chi tiết của Di sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng và du lịch được đẩy mạnh, Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vĩnh Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung,” ông Việt cho biết thêm. Cùng với Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên khác đã được công nhận, Thành nhà Hồ đã trở thành cầu nối để thế giới hiểu biết thêm về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng, cơ hội mới cho phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt Nam./.
Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới gồm ba khu vực đề cử: Hoàng Thành, La Thành và Đàn Nam Giao, rộng 155,5ha và được bao bọc bởi một vùng đệm 5078,5ha. Nơi đây, từ 1398-1400 là kinh đô của nước Đại Việt vương triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu vương triều Hồ từ 1400-1407. Đồng thời từ thế kỷ XVI-XVIII, đó là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ. |
Phương Mai (Vietnam+)