Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp không khắc phục, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm, chây ì, không chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tính đến 15/6/2024, trong tổng số 712 dự án chậm triển khai, có 705 dự án với tổng diện tích 11.345ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, có 134 dự án (chiếm 99,3%) với tổng diện tích 1.253,1ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát; 01 dự án (diện tích 6,9ha đất), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang rà soát, xem xét phương án xử lý.
Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 196 dự án (diện tích 1.951,7ha đất) được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 208 dự án (diện tích 1.225,3ha đất) đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19; 73 dự án (với 125,7ha đất) chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng,
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 135 dự án (diện tích 1.099,6 ha đất) đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong số 173 dự án do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, đến nay, có 80 dự án (chiếm 46,2%), với tổng diện tích 5.884,7ha đất được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 93 dự án (chiếm 53,7%), với tổng diện tích 1.111,8ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, trong số 93 dự án được gia hạn trên có 37 dự án (diện tích 205 ha đất) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 50 dự án (diện tích 825,2ha đất) đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; 06 dự án (diện tích 81,6ha đất) đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục rà soát, xem xét phương án xử lý.
Trước đó, tháng 7/2023, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 12, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Khóa XVI về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận và những vấn đề đã hứa, cam kết tại các phiên chất vấn, giải trình của Hội đồng Nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố từ đầu nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã nêu một số khó khăn trong quá trình rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý còn chậm so với yêu cầu là do số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông khẳng định công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm được Ủy ban Nhân dân thành phố xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành, song cũng là nhiệm vụ lớn, phức tạp.
Vì vậy, thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật./.
Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều dự án trọng điểm còn chậm triển khai
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đề nghị trong quá trình thực hiện dự án trọng điểm gặp khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND để tìm cách tháo gỡ, tránh trì trệ trong việc thực hiện các dự án.