Thành phố Hà Nội phê duyệt Dự án đường tránh Quốc lộ 21B, huyện Ứng Hòa

Dự án đường tránh Quốc lộ 21B khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo định hướng được phê duyệt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Ứng Hòa.

Một tuyến đường vành đai của Hà Nội góp phần giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một tuyến đường vành đai của Hà Nội góp phần giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành Quyết định số 1362/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đường tránh Quốc lộ 21B, huyện Ứng Hòa.

Dự án nhằm góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, tạo ra tuyến đường tránh thị trấn Vân Đình có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và đi lại của nhân dân trong khu vực và kết nối với các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường liên xã dọc tuyến đường. Góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm hành chính của huyện Ứng Hòa và tạo mỹ quan đô thị cho huyện Ứng Hòa.

Bên cạnh đó, Dự án nhằm phát huy thế mạnh của vận tải đường bộ là phạm vi ngắn, mạng lưới rộng, có hiệu quả trong công việc gom hàng xuất và phân phối hàng tiêu dùng. Tuyến đường là một phần trong quy hoạch giao thông vận tải của thành phố Hà Nội, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo định hướng đã được phê duyệt và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Ứng Hòa nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.

Tuyến đường có chiều dài 6,4988 km; Điểm đầu Km0- giao với đường Quốc lộ 21B tại lý trình Km24+550 gần cây xăng Liên Bạt (nút giao Trục phát triển kinh tế Bắc - Nam với tuyến đường Quốc lộ 21B) thuộc địa phận xã Liên Bạt; Điểm cuối Km6+498,80 giao với Quốc lộ 21B tại lý trình Km29+144,0 (gần Ủy ban Nhân dân xã Vạn Thái) thuộc địa phận xã Vạn Thái; Dự án được thực hiện từ năm 2024-2025 với diện tích sử dụng đất khoảng 25,16ha.

Hà Nội giao Ủy ban Nhân dân thành phố huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập Dự án đầu tư.

Tổ chức quản lý Dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, về đấu thầu và lựa chọn Nhà thầu. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư các Dự án liên quan để thống nhất phương án thiết kế các hạng mục đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực Dự án đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh trùng lắp, lãng phí; có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực Dự án đầu tư.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng thực hiện trách nhiệm quản lý chất lượng xây dựng công trình theo chức năng, nhiệm vụ và theo đúng các quy định hiện hành; tiếp nhận và quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông các hạng mục công trình hình thành từ dự án theo phân cấp quản lý và đưa vào khai thác, bảo trì công trình theo quy định; bổ sung khối lượng công tác quản lý, bảo trì công trình vào gói thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông theo địa bàn quản lý.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối nguồn vốn, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí vốn cho Dự án đầu tư đã được phê duyệt, đảm bảo thực hiện Dự án đầu tư theo đúng tiến độ đã được phê duyệt tại Quyết định này,” quyết định của thành phố Hà Nội nêu rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục