Từ năm 2021, hộ thoát nghèo phải có thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng/người/năm. Đây là một trong những nội dung được quy định theo Quyết định 995/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành.
Theo quyết định, hộ nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 6 tháng tại Thành phố có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên; có 2 chỉ số thiếu hụt về thu nhập và người phụ thuộc.
Hộ cận nghèo là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 6 tháng tại Thành phố có 2 chỉ số thiếu hụt và có thu nhập bình quân đầu người hơn 36-46 triệu đồng/người/năm.
[Ban hành Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025]
Quyết định cũng nêu rõ bộ tiêu chí nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021-2025 gồm 5 chiều (y tế, giáo dục-đào tạo; việc làm-bảo hiểm xã hội; điều kiện sống và chiều thu nhập) gắn với 10 chỉ số thiếu hụt.
Đây cũng là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Chiều y tế gồm 2 chỉ số thiếu hụt về dinh dưỡng và bảo hiểm xã hội. Như vậy, hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi; hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện tại không có bảo hiểm y tế.
Ở chiều giáo dục và đào tạo gồm 2 chỉ số thiếu hụt về trình độ giáo dục-đào tạo của người lớn trong độ tuổi từ 16-30 tuổi và tình trạng đi học của trẻ em.
Theo đó, hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16-30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục-đào tạo so với độ tuổi tương ứng; hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi gồm: trẻ từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non, trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiếp cận giáo dục tiểu học; trẻ từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở.
Chiều việc làm-bảo hiểm xã hội cũng được quy định về 2 chỉ số thiếu hụt về tiếp cận việc làm và bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở đó, hộ gia đình có ít nhất 1 người không có việc làm; hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động; hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập mà không tham gia bảo hiểm xã hội.
Tương tự, chiều điều kiện sống cũng được quy định 2 chỉ số thiếu hụt về nhà ở và nguồn nước sinh hoạt an toàn. Theo đó, hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 6m2 (nội thành) và nhỏ hơn 10m2 (ngoại thành); hộ gia đình không tiếp cận được nguồn nước an toàn gồm nước máy tại nhà, hoặc nước máy cung cấp tại điểm tập trung.
Ở chiều thu nhập cũng có 2 chỉ số thiếu hụt về thu nhập và người phụ thuộc. Như vây, hộ có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm (3 triệu đồng/người/tháng) trở xuống; hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%.
Người phụ thuộc bao gồm trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng.
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2021-2025; giao Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tuyên truyền, rà soát, xác định, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố.../.