Thành phố Hồ Chí Minh muốn “nắn” dòng kiều hối vào các lĩnh vực ưu tiên

Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, kiều hối là nguồn lực nội tại có vai trò trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và cả nước.

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương các kiều bào tiêu biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương các kiều bào tiêu biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Kiều hối là nguồn lực quan trọng, có tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế nếu sử dụng hiệu quả.

Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030,” với kỳ vọng kiều hối sẽ trở thành "lực đẩy" đóng góp vào sự phát triển kinh tế thành phố.

Tuy nhiên, thành phố sẽ không can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối.

Đó là thông tin tại Hội nghị Triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030,” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố phối hợp với các Sở ngành tổ chức ngày 11/10.

Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, kiều hối là nguồn lực nội tại có vai trò trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và cả nước.

Do đó, đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước như không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng…

Bà Mai cho biết, để xây dựng Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030,” thành phố đã tổ chức hàng chục hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thành phố mong muốn khi Đề án được ban hành sẽ đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp phải nhất quán với yêu cầu “không can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối,” phù hợp với mục tiêu chung, chủ yếu của chính sách kiều hối quốc gia, theo kịp xu hướng công nghệ hoá toàn cầu và trên cơ sở các Hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước, các nền kinh tế và các tổ chức kinh tế thế giới.

Tuy vậy, lãnh đạo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Đề án cần sự phối hợp hiệu quả trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn, các Bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, công ty kiều hối và bà con người Việt Nam ở các nước.

Đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Công ty Đầu tư tài chính thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp để tạo ra các cơ chế mới thu hút nguồn kiều hối hiệu quả.

Trong đó, Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố phải tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung thêm trường thông tin kê khai “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” đối với nhà đầu tư có gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để phục vụ công tác quản lý, khai thác dữ liệu liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại thành phố theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, bà Mai Phong Lan, Phó Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế Tập thể và Tư nhân, Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết việc bổ sung thêm trường thông tin kê khai người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên hệ thống thông tin Quốc gia về cư trú đang được Sở thực hiện theo đề án cấp quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

ttxvn_kieu bao tphcm (2).jpg
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương các kiều bào tiêu biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng tích cực triển khai các quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ưu tiên thu hút kiều hối vào các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh tại địa phương như kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ…

Đồng thời, khuyến khích nguồn vốn đầu tư FDI từ Việt kiều vào các khu công nghiệp đang mở rộng và hoàn thiện hạ tầng trên địa bàn.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, thành phố đã thu hút được khoảng 80 tỷ USD nguồn vốn FDI thông qua hơn 13.000 dự án; trong đó, lượng vốn góp, mua cổ phần khoảng 23 tỷ USD, có đóng góp đáng kể từ nguồn kiều hối của bà con kiều bào khắp nơi gửi về.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố sẽ tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh huy động nguồn lực kiều hối vào lĩnh vực chế biến chế tạo, đầu tư hạ tầng, đầu tư vào các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế…

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thống kê sơ bộ từ 14 công ty kiều hối trên địa bàn tính đến cuối tháng 9/2024, lượng kiều hối bà con kiều bào chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt khoảng trên 5,48 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối.

Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển dịch vụ chi trả, chuyển tiền, đơn vị này sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng đẩy mạnh truyền thông để người dân, người thụ hưởng nắm bắt rõ thông tin và vấn đề liên quan đến kiều hối.

Từ đó, người dân không chỉ sử dụng dịch vụ kiều hối thuận lợi mà còn có được hiệu quả cao nhất từ nguồn kiều hối nhận được thông qua các hoạt động đầu tư dự án, đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục