Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023), chiều 17/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác thành phố Nasushiobara, tỉnh Tochigi, Nhật Bản do Thị trưởng Watanabe Michitaro làm trưởng đoàn.
Hai bên cùng thảo luận, trao đổi hợp tác ở lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Thị trưởng Watanabe Michitaro cho biết thành phố Nasushiobara phát triển về nông nghiệp và du lịch nhưng hiện rất thiếu nguồn nhân lực trong hai lĩnh vực này.
Vì thế, phía thành phố Nasushiobara mong muốn Cần Thơ hỗ trợ nguồn nhân lực, lao động cho địa phương.
[Thúc đẩy hợp tác giữa Lào Cai với các địa phương của Nhật Bản]
Ông Watanabe Michitaro cho biết theo thống kê mới nhất, thành phố Nasushiobara đứng thứ 2 ở Nhật Bản về sản lượng sữa bò và thứ 10 ở Nhật Bản về sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, Trường Đại học Cần Thơ đang tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
Vì vậy, địa phương mong muốn hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ để đưa sinh viên trải nghiệm nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa tại thành phố Nasushiobara dưới hình thức thực tập hoặc đào tạo thực tế.
Theo Thị trưởng Watanabe Michitaro, thành phố Cần Thơ có sân bay Cần Thơ.
Thành phố NasuShiobara không có sân bay, nhưng có một sân bay ở tỉnh lân cận Fukushima.
Để tăng cường sự hợp tác của cả hai thành phố nên tổ chức các chuyến bay charter (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành) và các tour du lịch từ Nasushiobara đến thành phố Cần Thơ và từ thành phố Cần Thơ đến thành phố Nasushiobara.
Ngoài ra, để tạo cơ hội tốt quảng bá lẫn nhau và mở rộng kênh bán hàng các sản phẩm giữa hai địa phương, các cửa hàng ở thành phố Nasushiobara có thể bán đặc sản và sản phẩm đặc sản của thành phố Cần Thơ và ngược lại.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết thành phố Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch; trong đó, nổi bật là du lịch sinh thái miệt vườn với các vườn cây trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, sông ngòi chằng chịt và một nền văn hoá đậm chất Nam Bộ.
Cần Thơ hiện có sân bay quốc tế và đã khai thác chuyến bay trực tiếp đến Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loàn (Trung Quốc)...
Vì vậy, Cần Thơ muốn mở đường bay trực tiếp đến Nhật Bản. Trong thời gian chưa thực hiện được, Cần Thơ có thể mở các chuyến bay charter phục vụ các sự kiện hoặc cho các đoàn du lịch số lượng lớn.
Đối với vấn đề đưa sinh viên sang thành phố Nasushiobara thực tập, ông Trần Việt Trường cho biết địa phương luôn khuyến khích, ủng hộ sinh viên đến tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp tiên tiến trên thế giới; trong đó có Nhật Bản để trải nghiệm thực tế, nâng cao kiến thức và hội nhập quốc tế.
Dịp này, thành phố Cần Thơ và thành phố Nasushiobara đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai địa phương trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Cần Thơ kỳ vọng từ hai lĩnh vực chính là nông nghiệp và du lịch, với lợi thế, năng lực và nhu cầu thực tế của mỗi bên, thời gian tới giữa thành phố Cần Thơ và thành phố Nasushiobara sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác ở các lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư, lao động và trao đổi nguồn nhân lực...
Từ đó, xây dựng mối quan hệ hai địa phương Cần Thơ và Nasushiobara trở thành mối quan hệ tương trợ và bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển bền vững.
Thời gian qua, giữa thành phố Cần Thơ và Nhật Bản đã có nhiều thỏa thuận, dự án hợp tác: thành phố Cần Thơ và tỉnh Hyogo đã ký Tuyên bố chung trên các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics, nông nghiệp...
Thành phố Cần Thơ và thành phố Okayama đã ký Tuyên bố chung nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế thông qua các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, nông nghiệp... Theo đó, thành phố Cần Thơ và thành phố Nasushiobara, tỉnh Tochigi đã tiến hành các thủ tục để ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong ngành: du lịch, nông nghiệp.
Cùng với đó, Tập đoàn Marubeni đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD; Tổ công tác Nhật Bản tại Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) đã triển khai các hoạt động thúc đẩy thu hút đầu tư đối với các đối tác Nhật Bản, hỗ trợ thủ tục, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư tại thành phố Cần Thơ...
Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 86 dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.266,92 triệu USD; trong đó, có 6 dự án FDI với khoảng 1,35 tỷ USD (đứng thứ 1/22 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại địa phương)./.