Thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ Quyền con Người được đánh giá cao

Các thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, phát huy Quyền con Người được đánh giá cao, thể hiện cụ thể qua việc Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ Quyền con Người được đánh giá cao ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Ngày 26/10, tại thành phố Kon Tum, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị Tập huấn Công tác Thông tin Đối ngoại về Quyền con Người.

Tham dự Hội nghị có gần 200 cán bộ các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền; cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Hội nghị nhằm thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại về Quyền con Người, công tác truyền thông chính sách; cập nhật tình hình và hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền về Quyền con Người trong thời gian tới; phổ biến, quán triệt các nội dung của Đề án Truyền thông về Quyền con Người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đây cũng là dịp Ban Chỉ đạo Nhân quyền các tỉnh tham dự trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc, ghi nhận kiến nghị, đề xuất từ quá trình thực tiễn triển khai Đề án thực hiện Quyết định 1079/QĐ-TTg ở các địa phương.

Hội nghị tập trung vào các nội dung chính là quán triệt Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Truyền thông về Quyền con Người; tình hình lợi dụng vấn đề tôn giáo thời gian qua và tác động về truyền thông đối ngoại; hướng dẫn thúc đẩy quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài; kinh nghiệm truyền thông trên các phương tiện báo chí đối ngoại và quốc tế...

[Việt Nam nhấn mạnh yếu tố đặc thù trong thúc đẩy Quyền con Người]

Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuyển giao mô hình Hội nghị mẫu cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền, thông tin đối ngoại định kỳ cho Sở Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Kon Tum.

Qua đó, giúp Ban Chỉ đạo cũng như Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố có thêm kinh nghiệm để tổ chức Hội nghị cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại định kỳ trong thời gian tới.

Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, phát huy Quyền con Người được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện cụ thể qua việc Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu ủng hộ cao.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Truyền thông về Quyền con Người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028; Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Đây là những là văn bản quan trọng, mang tính định hướng cho công tác thông tin đối ngoại nói chung, thông tin đối ngoại về Quyền con Người nói riêng thời gian tới.

Bên cạnh các thuận lợi, công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về Quyền con Người đang đặt trước nhiều thách thức.

Lợi dụng tình hình khó khăn, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong, ngoài nước xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước, phủ nhận các thành tựu, nỗ lực của Đảng và Nhà nước. Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức thoái hóa, tham nhũng gây mất lòng tin…

Ông Phạm Anh Tuấn mong muốn cán bộ các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền, cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại thông qua Hội nghị sẽ nhận thức rõ, thực hiện tốt hơn công tác thông tin đối ngoại về Quyền con Người.

Hội nghị mẫu sẽ được thực hiện thường xuyên tại các tỉnh, có thể diễn ra độc lập hoặc lồng ghép để nêu bật yếu tố Quyền con Người.

Các cơ quan địa phương cần có sự kết nối với các cơ quan Trung ương để làm tốt công tác thông tin đối ngoại về Quyền con Người.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục