Tháo gỡ vướng mắc trong xét tặng danh hiệu nghệ sỹ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương gỡ vướng mắc trong xét tặng danh hiệu nghệ sỹ.
Chiều 7/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (gọi tắt là Nghị quyết 23).

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh văn học, nghệ thuật là một nội dung quan trọng của văn hóa dân tộc. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay thì văn học, nghệ thuật có một vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sửa đổi những đề án, kế hoạch, tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển và đời sống của văn nghệ sỹ từng bước được cải thiện.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát lại, đồng thời có kế hoạch phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sỹ như chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề, khen thưởng, nhuận bút, danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân… Đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm hoàn thành các đề án mà Nghị quyết số 40 của Chính phủ đã ban hành. Mặt khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, tuyển sinh trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại buổi làm việc về kết quả, thực trạng cũng như những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời gian qua.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở Việt Nam đã cơ bản có những chuyển biến tích cực.

Các hoạt động văn học, nghệ thuật đã có tính chuyên nghiệp hơn, số lượng tác phẩm đạt giải thưởng trong khu vực và quốc gia tăng đáng kể. Công tác lý luận phê bình có những bước chuyển biến tích cực, hoạt động phổ biến, sáng tác tác phẩm đa dạng, phong phú.

Các hoạt động văn học, nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng; chất lượng nghệ thuật được nâng lên rõ rệt và gắn kết chặt chẽ với việc phục vụ hiệu quả chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Công tác bảo tồn, phát triển di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực...

Tuy nhiên, hiện nay một số cơ chế chính sách về phát triển văn học, nghệ thuật đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với thực tiễn như: chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật ở cơ sở; chế độ đối với diễn viên, nghệ sỹ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu... Lương và phụ cấp đối với văn nghệ sỹ hiện nay còn thấp, chưa bù đắp được công sức sáng tạo; mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chưa huy động được ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Chính phủ cần xem xét quyết định lĩnh vực văn học, nghệ thuật là lĩnh vực mang tính đặc thù; tăng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở văn học, nghệ thuật; đào tạo nguồn nhân lực về văn học, nghệ thuật../.

Nguyễn Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục