Thảo luận dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
Thảo luận dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phạm Xuân Thường phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các tòa án nhân dân và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng tòa án nhân dân cũng như cơ chế quản lý tòa án nhân dân về tổ chức để bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Nên thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực

Thảo luận về vấn đề thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 (Điều 32) của dự thảo Luật.

Theo các đại biểu, việc thành lập như vậy sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về việc tổ chức tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay, đồng thời tăng cường tính độc lập của tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trong xét xử cũng như tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải…

Theo các đại biểu Trần Văn Độ (An Giang), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Đặng Công Lý (Bình Định), Vi Thị Hương (Điện Biên), việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập về việc tổ chức tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay.

Mặt khác, việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ không tạo ra nhu cầu quá lớn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại tòa án.

Ngoài ra, việc tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là tiền đề để đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với tổ chức, hoạt động của tòa án nhân dân theo hướng thực chất, hiệu quả hơn, qua đó tạo điều kiện bảo đảm để tòa án thực hiện tốt công tác xét xử, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy vậy, một số ý kiến đại biểu cho rằng không nên thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, vì người dân ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa sẽ khó khăn trong việc tiếp cận các cơ quan tiến hành tố tụng và ngân sách phải chi thêm một khoản lớn cho việc xây dựng trụ sở và tổ chức bộ máy.

Cần xây dựng và phát triển án lệ

Liên quan việc xây dựng và phát triển án lệ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao cho tòa án nhân dân tối cao xây dựng án lệ như trong dự thảo luật.

Các đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Đặng Công Lý (Bình Định)... cho rằng để phù hợp với truyền thống pháp luật Việt Nam thì án lệ được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, đánh giá những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, trên cơ sở đó chỉ ra việc áp dụng thống nhất và đường lối xử lý đối với vụ việc cụ thể đó, được Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao lựa chọn làm chuẩn mực để các Tòa án nghiên cứu, làm theo trong công tác xét xử, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và bảo đảm công lý theo nguyên tắc các vụ việc có tình tiết giống nhau thì phải được phán quyết như nhau.

Cũng theo các đại biểu, án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, tòa án nhân dân tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật.

Việc quy định về án lệ theo hướng nêu trên sẽ đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai.

Nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau

Góp ý về nhiệm kỳ của thẩm phán, nhiều ý kiến nhất trí với phương án 1 (Điều 57) về nhiệm kỳ của thẩm phán là "thẩm phán tòa án nhân dân tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn. Nhiệm kỳ của thẩm phán là 10 năm."

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác cho rằng nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của thẩm phán.

Mặt khác, việc quy định này là quá khắt khe trong khi đó quy trình tái bổ nhiệm rất phức tạp và phải qua nhiều khâu cũng như mất nhiều thời gian. Đồng thời quy định như vậy gây áp lực tâm lý cho thẩm phán và ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong công tác xét xử. Hiện này, nhiều đơn vị, thẩm phán ngồi chơi để chờ được tái bổ nhiệm trong khi đó án tồn đọng rất nhiều không được xét xử.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng chỉ nên quy định nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được tái bổ nhiệm thì các nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm, nhằm bảo đảm thận trọng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ nhất là nhiệm kỳ đầu.

Thảo luận về ngạch thẩm phán, một số ý kiến tán thành với quy định chức danh thẩm phán sẽ được chia theo bốn ngạch, gồm thẩm phán tòa án nhân tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp.

Quy định này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức và các ngạch công chức. Đồng thời bảo đảm phân hóa đội ngũ thẩm phán một cách rõ ràng về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Thẩm phán giữ ngạch càng cao thì tiêu chuẩn càng phải cao; phù hợp với cơ chế tuyển chọn khi được bổ nhiệm lần đầu hoặc nâng ngạch thẩm phán và tổ chức tòa án nhân dân bốn cấp.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định có hai ngạch thẩm phán, gồm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và thẩm phán.

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh), quy định chức danh thẩm phán theo bốn ngạch vừa gây tâm lý không thoải mái, vừa khó khăn cho công tác điều động cán bộ. Vì vậy, chỉ nên chia làm hai ngạch là thẩm phán và thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Cũng thảo luận về dự án Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu đã góp ý về việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức tòa án nhân dân; tuổi nghỉ hưu của thẩm phán…

Theo Chương trình, sáng mai (4/6), Quốc hội làm việc ở hội trường để nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục