Thảo luận về các thách thức và vai trò của châu Á

Hội nghị "Tương lai châu Á” thảo luận các vấn đề nóng, những thách thức đối với khu vực và triển vọng hợp tác khu vực trong tương lai.
Ngày 24/5, Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” do báo Nikkei và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tổ chức đã khai mạc tại Tokyo với chủ đề “Vai trò của châu Á trong thế giới bất ổn - Tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới.”

Hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề nóng, những thách thức đối với khu vực và triển vọng hợp tác khu vực trong tương lai.

Tham dự hội nghị có các quan chức chính phủ, các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp Nhật Bản và các nước. Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn  Thị Doan dẫn đầu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan nhấn mạnh các nước đang đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và môi trường thế giới và khu vực. Những diễn biến ở các nước láng giềng châu Á, trong đó có Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nước ASEAN.

Theo ông Pitsuwan, Nhật Bản là nền kinh tế quan trọng ở châu Á và thế giới, là nguồn vốn, công nghệ và quản lý, góp phần quan trọng tạo nên mạng lưới trao đổi hàng hóa trong khu vực.

Ông cho rằng để thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN không thể hành động đơn độc mà cần hợp tác với các nước, trong đó có Nhật Bản.

Với học thuyết Fukuda, Nhật Bản đã từng can dự tích cực vào châu Á với những cam kết và hành động hợp tác. Nhật Bản cần làm mới những cam kết, tiếp tục can  dự tích cực vào châu Á.

Ông Pitsuwan cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997 cho thấy cần xây dựng các cơ cấu hợp tác mới và hy vọng trong quá trình hợp tác, các nước có thể xây dựng niềm tin và phát hiện những lĩnh vực mới có thể hợp tác.

Các nước ASEAN muốn đóng vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực Đông Á, coi trọng Nhật Bản và muốn Nhật Bản đóng vai trò đi đầu trong hợp tác khu vực trong tương lai. Đông Á cần sự tự tin của Nhật Bản, muốn Nhật Bản can dự tích cực với các khả năng của mình.

Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) Sri Mulyani indrawati khi đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã nhấn mạnh cần đồng thời tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách cơ cấu để tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo bà, cần đầu tư vào các lĩnh vực gắn với tăng trưởng, giảm chi phí cho những lĩnh vực có năng suất thấp, đồng thời cần có sự hợp tác chính sách của tất cả các nước.

Bà đã nêu ba đối sách để duy trì tăng trưởng cao của các nền kinh tế mới nổi, gồm sửa đổi sự bất công bằng, trong đó có thoát khỏi sư phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài, cải cách cơ chế hướng tới cải thiện thị trường lao động và mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư cho giáo dục trong đó coi trọng tăng năng suất lao động và đổi mới công nghệ. Bà cho rằng các giải pháp này sẽ là chìa khóa tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự mới ổn định, phồn vinh dựa trên các giá trị dân chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo đó cần xây dựng hai trụ cột quan trọng là “ngoại giao mạng lưới” và xã hội chất lượng cao thông qua “tăng cường và mở  rộng tầng lớp trung lưu.” Đây chính là hình thức mới trong định hướng ngoại giao châu Á của Nhật Bản.

Theo ông Gemba, “ngoại giao mạng lưới” là nỗ lực kết nối sự nhất trí song phương và đa phương, xây dựng một trật tự phong phú và ổn định dựa trên các giá trị dân chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mạng lưới này trên thực tế đang được mở rộng.

Để thúc đẩy sức mua của tầng lớp trung lưu, chính phủ Nhật Bản sẽ sớm đưa ra một chiến lược hỗ trợ vào mùa Thu năm nay, trong đó coi trọng thúc đẩy các liên kết kinh tế khu vực, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp công nghệ cao, tăng cường đối thoại về quyền sở hữu trí tuệ giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Ông Gemba cũng nhấn mạnh vai trò của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, coi đó là “tài sản chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và cam kết nỗ lực tăng cường mối quan hệ đồng minh này trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong môi trường an ninh khu vực.

Các diễn giả tiếp tục thảo luận theo đề tài “Những thách thức và giải pháp cho kinh tế toàn cầu: Triển vọng của châu Á,” “Khoa học mở ra tương lai mới cho châu Á” và “Thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương và tác động tới an ninh khu vực”./.

M.Sơn-H.Hà-H.Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục