Tháp bị gãy ở vị trí cách mặt đất 20m. Tháp cao 180m, được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2010 tại khu đô thị Hòa Vượng, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.
Tháp tiếp sóng các kênh VTV2, VTV3, VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình An Viên cho cả vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Sự cố khiến các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam không xem được các kênh tiếp sóng trên.
Bão số 8 quét qua Nam Định trong khoảng thời gian 7-8 giờ, gây nhiều thiệt hại. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể, song ước tính Nam Định chưa kịp thu hoạch hơn 5.000ha lúa mùa, trong đó có trên 3.000ha là lúa đặc sản; hơn 6.000ha nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn, nước lợ tập trung chủ yếu tại ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng.
[Cứu hộ 35 người trên giàn khoan bị đứt dây kéo]
Nam Định cũng vừa xuống giống hơn 15.000ha rau màu vụ đông, trong đó có gần 6.000ha trồng trên đất trũng hai lúa.
Trong khi đó, tại Hưng Yên, gió mạnh và mưa lớn làm thiệt hại nặng nhiều cây cối và hoa màu. Bão số 8 là trận bão gây ảnh hưởng lớn nhất trong 5 năm trở lại đây ở Hưng Yên.
Tại các vùng trồng chuối ở Kim Động, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, gần 1000ha chuối đã có buồng chuẩn bị cho thu hoạch bị gãy đổ và mất trắng.
Toàn tỉnh còn có hàng nghìn ha cây vụ đông như bí xanh, dưa chuột, đậu tương và nhiều rau màu khác đang phát triển bị giập nát; các ruộng cây vụ đông mới trồng bị ngập úng; nhiều diện tích trồng ngô vùng bãi và trong đồng đổ nghiêng.
Ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, hàng trăm ha cây ăn quả như cam bưởi cũng bị rụng quả, gãy cành.
Bão cũng đã gây mất điện trên diện rộng ở thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu. Tại nhiều địa phương trong tỉnh. gió giật mạnh kèm theo mưa lớn làm nhiều cây xanh gãy đổ bật gốc, nhiều nhà dân và công sở bị tốc mái tôn, cửa kính vỡ, biển quảng cáo hỏng bay la liệt.
Tỉnh Hưng Yên đã khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tập trung khắc phục, xử lý, giải quyết các hậu quả do mưa bão./.