Thấy bằng chứng "miệng hố khổng lồ" trên Sao Hỏa

Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về cái mà họ tin là tàn tích của một vụ núi lửa “siêu phun trào” từng xảy ra trên Sao Hỏa.
Sử dụng dữ liệu từ tàu vũ trụ bay trong quỹ đạo của Sao Hỏa, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về cái mà họ tin rằng là tàn tích của một vụ núi lửa “siêu phun trào” từng xảy ra trên bề mặt Hành tinh Đỏ, và tạo ra một miệng hố khổng lồ còn tồn tại đến ngày nay.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết khi xem xét các hình ảnh về vùng lòng chảo rộng lớn có tên gọi Eden Patera trên Sao Hỏa, họ phát hiện ở lòng chảo rộng 52 dặm và sâu một dặm này có rất nhiều gờ đá giống như các vành đai bồn tắm được hình thành sau khi một hồ dung nham cạn dần. Bao quanh lòng chảo này còn có các hố và thung lũng hình thành khi mặt đất bị sụt vì những hoạt động bên trong.

Những bằng chứng này dẫn giới khoa học tới nhận định rằng lòng chảo Eden Patera thực sự là một miệng núi lửa lớn và từng xảy ra một vụ “siêu phun trào” tại địa điểm này.

Trước đó, các dữ liệu gửi về từ tàu tự hành Curiosity, hạ cánh xuống Sao Hỏa một năm trước, cũng cho rằng có khả năng một vụ núi lửa phun trào cực lớn xảy ra khoảng 4 tỷ năm trước đây đã phá hủy khí quyển Hành tinh Đỏ.

Theo định nghĩa của giới khoa học, một núi lửa có khả năng phun trào 240 dặm khối (tương đương 998,4 km3) đá và bụi trở lên khi hoạt động thì được coi là “siêu phun trào." Vụ "siêu phun trào" lớn nhất được biết đến là tại Hồ Toba ở Bắc Sumatra, Indonesia, xảy ra cách đây 74.000 năm với 672 dặm khối dung nham được phun ra.

Ngoài Hồ Toba, dấu vết về các vụ “siêu phun trào” tương tự còn được tìm thấy tại Công viên Quốc gia Yellowstone của Mỹ và quần đảo Canary ngoài khơi bờ biển phía Tây khu vực Bắc Phi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục