Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Thông tư không chỉ khiến thầy cô "xáo động" về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện nâng hạng, tụt hạng mà những văn bản mới này còn gây bất ngờ khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.
Theo Thông tư 01-02-03-04 năm 2021, “tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” được quy định riêng theo từng hạng giáo viên. Giáo viên hạng III (thấp nhất): “Chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử...” Giáo viên hạng II: Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, giáo viên hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.” Đối với giáo viên hạng I “phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.”
Việc Thông tư mới phân “đẳng cấp” trong tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khiến giáo viên bất ngờ và băn khoăn.
Cô giáo Ngô Thị Hồng Liên, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (Hà Nội) cho hay rất bất ngờ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định này. Theo cô Liên, có thể phân hạng giáo viên về chuyên môn nghề nghiệp, trình độ, dựa vào các chứng chỉ nhưng phân bậc về đạo đức là không thể.
“Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà cả chuẩn mực đạo đức. Vì thế, thầy cô dạy học sinh không chỉ bằng năng lực chuyên môn mà bằng cả đạo đức của chính mình. Mỗi giáo viên khi bước chân lên bục giảng đều phải là tấm gương đạo đức cho học sinh nên phân bậc đạo đức là không thể,” cô Liên chia sẻ.
[Chấn chỉnh công tác bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên]
Không chỉ giáo viên bất ngờ mà việc phân chia đạo đức theo hạng cũng khiến đội ngũ quản lý giáo dục ở các nhà trường trăn trở bởi theo Luật Giáo dục thì đạo đức nghề nghiệp giáo viên là quy định chung bắt buộc tất cả phải thực hiện. Vì thế, việc phân hạng là bất hợp lý và không cần thiết, thậm chí điều này còn có xu hướng đi ngược lại với chủ trương “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” mà chính Bộ Giáo dục đã và đang triển khai trong hàng chục năm qua.
Cô giáo Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đức Thượng (Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo nên ai cũng phải đảm bảo chuẩn giống nhau, dù ở hạng nào, cấp bậc học nào, không nên phân chia. Nên quy định chung mọi giáo viên đều phải đạt chuẩn đạo đức nghề nghiệp theo Luật.”
Đây cũng là quan điểm của thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi.
Theo thầy Xuân, việc “phân bậc” đạo đức với giáo viên là không nên và không cần vì tất cả thầy cô làm trong ngành giáo dục đều có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Mọi giáo viên phải thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phân biệt thứ hạng, thậm chí cả giáo viên và lãnh đạo.
“Không lẽ giáo viên hạng cao hơn thì cần đạo đức tốt hơn, giáo viên hạng thấp hơn thì không cần tốt, điều đó có lẽ hơi buồn cười. Tôi cho rằng về mặt nào đó Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại quy định này,” thầy Xuân kiến nghị.
Theo các chuyên gia giáo dục, đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định. Thực tế, chuẩn này của giáo viên đã có quy định chung từ năm 2008 do Bộ Giáo dục ban hành. Vì thế, việc chia đạo đức nghề nghiệp giáo viên theo hạng như thông tư mới là không đúng quy định.
Tiến sỹ Giáp Văn Dương, người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục cho rằng thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, xếp hạng đạo đức nghề nghiệp giáo viên sẽ không hiệu quả trong thực tế. Ông Dương cho hay về cá nhân, không ai có quyền xếp hạng đạo đức cá nhân của người khác. Về quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp thì phải nhất quán và thống nhất trong toàn ngành.
“Việc xếp hạng giáo viên trên đạo đức nghề nghiệp sẽ gây khó cho giáo viên, sẽ phân biệt đối xử và không đúng về bản chất trong cách hiểu của chúng ta về cả đạo đức cá nhân và nghề nghiệp,” tiến sỹ Giáp Văn Dương nhận định.
Cũng theo tiến sỹ Giáp Văn Dương, đạo đức là giá trị phổ quát, mọi giáo viên đều phải đạt được khi đứng trên bục giảng. Việc phân giáo viên hạng nào, đạo đức hạng đó là không đúng, thậm chí có thể dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ trong chính đội ngũ thầy cô./.