Mặc dù Anh là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới thế nhưng đến nay, thị phần hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang đây mới chỉ chiếm 1%. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng hàng hóa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa khi xuất khẩu và mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có những quy định rõ ràng nên doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi số để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại.
Thị trường tiềm năng
Theo thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), tuy dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nhưng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh trong 10 tháng năm 2021 vẫn đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 25,7%.
Đặc biệt, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu-châu Mỹ.
Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng tốt nhất trong 10 tháng năm 2021 gồm cao su tăng 85%, hàng rau quả tăng 73%, sản phẩm mây tre, thảm tăng 61%, đặc biệt các sản phẩm từ sắt thép có mức tăng trưởng đột biến.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Anh cũng chứng kiến tăng trưởng đột biến ở một số nhóm hàng bao gồm sản phẩm hóa chất tăng 1.053%, dược phẩm 2.654%, hóa chất 4.065%, kim loại khác 822%, nguyên phụ liệu dệt may da giày 302%...
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, dù Anh là thị trường tiềm năng nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng trong việc thâm nhập, khai thác lợi thế cũng như khả năng cạnh tranh với đối tác. Chẳng hạn, việc gửi sản phẩm chào hàng với giá quá cao hoặc không đủ giấy tờ chứng nhận hàng hóa theo tiêu chuẩn của nước sở tại, thời gian giao hàng lâu… là những nguyên nhân khiến hàng hoá Việt Nam chưa tiếp cận sâu được tại thị trường Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng chỉ ra rằng thị trường Anh đang có nhu cầu lớn nhập khẩu càphê nhưng các sản phẩm cà phê của Việt Nam tại đây vẫn chưa có chỗ đứng. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, bao bì để có thể khai thác thị trường này.
Thống kê cho thấy xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh đã tăng trưởng liên tục và đạt tới gần 40.000 tấn với trị giá gần 67,2 triệu USD trong năm 2019.
Tuy nhiên, năm 2020 xuất khẩu càphê của Việt Nam sang Anh chỉ đạt 27.915 tấn, giảm 43,2% và trị giá hơn 48 triệu USD, giảm 38,9% so với năm 2019. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chính sách phong tỏa kéo dài của Chính phủ Anh khiến nhu cầu tiêu dùng càphê giảm mạnh.
[Tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác chủ chốt Việt Nam-Anh]
Bên cạnh đó, cước vận tải đường biển từ Việt Nam sang Anh tăng cao cũng khiến nhiều nhà rang xay càphê chuyển đơn hàng sang các nhà cung cấp tại Nam Mỹ và châu Phi.
Ông Trần Thái - Giám đốc Công ty T&T Meridian (UK) nhận định các công ty kinh doanh càphê tại Anh đều biết Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu càphê hạt hàng đầu thế giới. Thế nhưng, về thương hiệu cà phê thành phẩm, Việt Nam chưa có vị trí nổi bật như Italy, Pháp hay Thụy Sĩ.
Hơn nữa, người Anh không uống cà phê đậm đặc như càphê đen của Việt Nam nên càphê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường Anh. Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng nước này là đọc thông tin trên bao bì rất kỹ nên nhà phân phối sẽ hoan nghênh sản phẩm vừa phù hợp thị hiếu tiêu dùng vừa có bao bì đẹp.
Ông Trần Thái cũng cho rằng marketing và bán hàng có lẽ là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư thỏa đáng cho marketing và thuê chuyên gia bản địa có trình độ cao xây dựng chiến lược tiếp thị cùng thông điệp truyền tải sáng tạo hấp dẫn người uống càphê...
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện tính chuyên nghiệp và thiện chí hợp tác khi tiếp cận các nhà phân phối tại Anh. Yếu tố mềm này rất hữu ích trong việc tạo dựng sự tin tưởng và thiết lập nền tảng cho mối quan hệ lâu dài trong tương lai.
Thay đổi để thích ứng
Ông Justin Cornelius - Giám đốc Coffee Hub Group, một trong những nhà rang xay và phân phối cà phê lớn tại Anh quốc, cho rằng cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp nên chiến lược xuất khẩu càphê giá rẻ để cạnh tranh không còn phù hợp.
Do đó, người trồng cà phê Việt Nam cần đầu tư sản xuất Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn.
Nếu làm được như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường bán buôn càphê chất lượng cao cho các khách sạn, nhà hàng tại Anh. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể tiếp cận thị trường đồ uống thể thao zero calorie làm từ càphê và thị trường càphê đặc sản gắn với những câu chuyện hấp dẫn từ những vùng trồng có yếu tố kinh tế-xã hội-dân tộc đặc sắc.
Theo ông Justin Cornelius, tới đây, ngành càphê Việt Nam phải đầu tư cho phát triển bền vững để chuyển mình từ phân khúc thị trường cấp thấp lên phân khúc thị trường cấp cao trong tương lai.
Các doanh nghiệp càphê Việt Nam nên chào bán các lô hàng nhỏ hơn nhưng có chất lượng đồng đều hơn; áp dụng công nghệ chế biến hiện đại hơn để gia tăng chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng khuyến cáo mặc dù là thị trường khá khó tính nhưng các tiêu chuẩn của Anh thực ra về mặt kỹ thuật tương tự như các tiêu chuẩn của EU. Thậm chí, tiêu chuẩn của Anh còn có yếu tố thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam vì công bố bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất khẩu cũng là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Thời gian qua, tại khu vực châu Âu đã có một số trường hợp lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đơn hàng nhưng không nhận được tiền thanh toán vì nhiều lý do đối tác không đủ khả năng thanh toán hoặc cố tình lẩn tránh, trì hoãn thanh toán.
Bà Ngô Thủy, Giám đốc toàn quốc phụ trách phát triển kinh doanh và tài trợ thương mại, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng doanh nghiệp Việt Nam trước khi thực hiện giao dịch mua bán cần tìm hiểu kỹ về đối tác, tình hình kinh doanh và khả năng thanh toán của đối tác.
Khi tham gia vào thị trường mới, doanh nghiệp cần sử dụng hình thức thanh toán trung gian (LC), khi làm bằng LC sẽ có sự đảm bảo của phía ngân hàng bên kia, đồng thời phía các ngân hàng bản địa có thể giúp đảm bảo khả năng thanh toán của người mua hàng trong trường hợp có vấn đề khi xuất hàng.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, để thâm nhập thị trường Anh, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản để đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì thị phần, làm cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần tìm nguồn hàng có chất lượng, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi và thích nghi linh hoạt trong bối cảnh mới mới có thể vượt qua rào cản, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường./.