Theo trang tin The Diplomat ngày 23/12, sự sụt giảm mạnh của giá dầu trên thị trường quốc tế có tác động tích cực hơn là tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam và có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2015.
Xét trên thực tế xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 10% ngân sách Nhà nước của Việt Nam, và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ước tính rằng giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng, nguồn thu ngân sách của Việt Nam sẽ giảm 1.000-1.200 tỷ đồng.
Song, hiện nay Việt Nam đã giảm bớt sự phụ thuộc vào doanh thu từ xuất khẩu dầu, khi giữ ở mức 10% so với khoảng 20-25% trước đây.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cho rằng các tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước có thể được bù trừ trong năm 2015, nhờ những tác động tích cực khác đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh đất nước xuất khẩu khoảng 16 triệu tấn dầu thô nhưng đồng thời cũng nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn sản phẩm xăng dầu mỗi năm.
Hóa đơn chi cho các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu giảm có thể đẩy tỷ lệ lạm phát thấp hơn trong năm 2015.
Giá dầu xuống thấp cũng có thể thúc đẩy chi tiêu và giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nhờ đó có thể kích thích tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Ông Glen B. Maguire, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng giá dầu thấp sẽ có tác động đáng kể đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015, nhờ các yếu tố kinh tế khác.
Ông Maguire hy vọng rằng ngay cả khi giá dầu giảm 10% trong 4 quý liên tiếp thì GDP của Việt Nam sẽ chỉ giảm 0,1%, trong khi lạm phát sẽ được cắt giảm từ 2,6-2,7%.
Các chuyên gia khác thậm chí còn đưa ra những đánh giá khả quan hơn. Gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng tăng trưởng GDP dự kiến của Việt Nam năm 2015 từ mức 5,7% lên 5,8%, với lý do điều kiện tín dụng tại Việt Nam đã được nới lỏng và đầu tư nội địa cải thiện.
Tập đoàn Frontier Strategy (FSG) dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 có thể cao hơn so với mức dự báo tăng 5,9% hiện nay, và nếu giá dầu ổn định ở mức 50 USD/thùng trong năm 2015 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam thậm chí có thể lên đến trên 10%, do sức mua được cải thiện đáng kể và lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có thể thực hiện các bước đi nhằm giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực tiềm tàng đối với nền kinh tế. Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã tăng thuế đánh vào các sản phẩm dầu khí nhằm giúp bù đắp thâm hụt ngân sách.
Các biện pháp khác cũng có thể được cân nhắc, trong đó có việc cắt giảm các hoạt động khoan dầu một cách có chọn lọc nếu giá dầu tiếp tục giảm, bởi điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của một số công ty khai thác dầu như Tập đoàn PetroVietnam.
Chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập một nhóm nghiên cứu liên ngành đặc biệt để đánh giá tác động của sự biến động giá hàng hóa đối với nền kinh tế và đề xuất các giải pháp để quản lý vấn đề này trong năm 2015./.