Thế giới cần bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái biển

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị tất cả các nước và các tổ chức quốc tế bảo vệ tốt hơn các loài sinh vật biển.
Nhân Ngày quốc tế đa dạng hóa sinh học 22/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra thông điệp trong đó chỉ rõ thực trạng đáng lo ngại của các đại dương trên thế giới, đồng thời đề nghị tất cả các nước và các tổ chức quốc tế bảo vệ tốt hơn các loài sinh vật biển.

Thông điệp của Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết các đại dương chiếm 75% diện tích bề mặt Trái Đất. Đây là nơi sinh sống của loài cá voi xanh, loại động vật lớn nhất trên hành tinh, cũng như hàng triệu triệu vi sinh vật và chứa nhiều nguồn tài nguyên nuôi sống con người.

Nhưng bất chấp tầm quan trọng đó, con người chưa quan tâm đúng mức các loài sinh vật biển. Tình trạng khai thác thương mại quá mức các đàn cá trên thế giới dẫn đến hơn 50% khu vực ngư trường toàn cầu cạn kiệt và dự kiến phá hủy 30-35% các môi trường biển quan trọng chứa các loài rong biển, rừng đước và các dải san hô ngầm. Các phế liệu chất dẻo cũng tiếp tục hủy hoại sự sống trên biển và tình trạng ô nhiễm đất đang tạo nên các vùng biển ven bờ gần như không có khí ôxy (O2).

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng đang ảnh hưởng nghiêm trọng khí hậu toàn cầu, khiến bề mặt nước biển ấm hơn, làm cho mực nước biển dâng và nồng độ axít biển tăng, từ đó gây nhiều hậu quả cho con người.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng cho biết một báo cáo khoa học năm 2011 cho thấy nhiều dấu hiệu các hệ sinh thái và sinh vật biển đã và đang phục hồi khi mối đe dọa của con người giảm hoặc mất đi. Các nước đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ biển như thành lập các khu bảo tồn đại dương quy mô lớn và báo cáo kịp thời các khu vực sinh thái và sinh vật quan trọng ở các môi trường sống dưới đáy biển.

Ông cho biết thêm, Hội nghị của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20) tại Brazil trong tháng tới sẽ tạo cơ hội để các nước và các tổ chức quốc tế tái cam kết bảo vệ hệ sinh thái và sinh vật biển.

Theo Cơ quan Công ước về Đa dạng hóa Sinh vật (CBD) của Liên hợp quốc, có hiệu lực từ năm 1993, sự tồn tại của các hệ sinh thái và đa dạng hóa sinh học của biển và ven biển rất quan trọng cho nguồn dinh dưỡng, tinh thần, xã hội và tôn giáo của nhiều cộng đồng.

Ngành công nghiệp hải sản cung cấp cho toàn cầu hơn 15% đạm động vật. Các khu vực ven biển và đại dương cung cấp nhiều ngành dịch vụ sinh thái vô giá, từ du lịch đến tránh bão và các loài thực vật quang hợp nhỏ, gọi là phytoplankton, cung cấp 50% khí ôxy trên Trái Đất.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố ngày 22/5 hàng năm là Ngày quốc tế đa dạng hóa sinh học để nâng cao hiểu biết và nhận thức của thế giới về các vấn đề đa dạng hóa sinh học. Chủ đề năm nay là đa dạng hóa sinh vật biển./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục