Thế giới cần cải tổ khẩn cấp chính sách lương thực

WTO kêu gọi quốc tế khẩn cấp cải tổ các chính sách sản xuất và buôn bán lương thực để nuôi sống dân số toàn cầu hiện hơn 7 tỷ người.
Tại một hội nghị về vấn đề nuôi sống dân số toàn cầu, vừa diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Pascal Lamy kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp cải tổ các chính sách sản xuất và buôn bán lương thực để có thể nuôi sống dân số toàn cầu hiện đã lên tới hơn 7 tỷ người.

Ông Lamy cho rằng thế giới có thể nuôi sống dân số toàn cầu của ngày hôm nay và cũng có thể nuôi sống dân số toàn cầu trong tương lai nếu có các chính sách đúng về sản xuất và buôn bán lương thực.

Ngay từ năm 2007, khi chấm dứt kỷ nguyên giá lương thực rẻ cũng như khi xảy ra cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008, nhu cầu cải tổ chính sách đã trở nên cấp bách để kích thích hệ thống nông nghiệp có thể sản xuất được lượng lương thực an toàn và đủ nuôi sống dân số thế giới.

Thế giới không có an ninh lương thực nếu sản xuất lương thực vẫn chỉ tập trung vào một số nước. Hiện nay, 70% sản lượng gạo và 70% sản lượng ngô của thế giới chỉ do năm nước sản xuất, 80% sản lượng đậu nành chỉ do ba nước sản xuất và 85% tổng lượng đậu nành trên thị trường thế giới chỉ do hai nước xuất khẩu.

Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh thế giới đang "đánh bạc" với tương lai lương thực nếu không cải tổ chính sách nông nghiệp để khuyến khích các khu vực khác trên thế giới sản xuất lương thực.

Châu Phi chiếm khoảng 14% dân số thế giới nhưng hiện chiếm tới 25% số người suy dinh dưỡng trên toàn cầu. Châu Phi cũng là châu lục có năng suất nông nghiệp thấp nhất thế giới.

Trong khi năng suất ngô trung bình toàn cầu là 5 tấn/hécta, năng suất ngô của châu Phi chỉ đạt 1,8 tấn/hécta. Nguyên nhân của tình hình này chủ yếu là chính sách thuế nông nghiệp, chính sách đất đai, hạn chế tiếp cận tín dụng, cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như trợ cấp nông nghiệp quá lớn ở các nước phát triển.

Tổng Giám đốc WTO cho rằng buôn bán quốc tế đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực. Thông qua thúc đẩy cạnh tranh, buôn bán thúc đẩy sản xuất lương thực ở các khu vực có thể sản xuất hiệu quả nhất, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực phải được phát triển ở những khu vực thích hợp để không lãng phí những nguồn tài nguyên nước, đất đai và các nguồn tài nguyên thiết yếu khác.

Buôn bán lương thực cũng phải được coi là nghĩa vụ đạo đức để lương thực có thể được chuyển từ các nước dư thừa sang các nước thiếu, đặc biệt trong bối cảnh lương thực chỉ chiếm 7% buôn bán thế giới nhưng 2/3 các nước trên thế giới phải nhập khẩu và chỉ 1/3 là những nước xuất khẩu lương thực.

Buôn bán lương thực phải được cách mạng hóa trong những năm tới thông qua cải thiện vận tải, các công nghệ container hóa và thông tin hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục