Trang tin Forbes hôm 17/11 cho biết các cơ quan hàng không vũ trụ tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đã mất liên lạc tạm thời với một số lượng lớn tàu vũ trụ và các cỗ máy thăm dò được gửi tới Sao Hỏa.
Trong đó có ba xe thăm dò địa hình, một chiếc trực thăng và bảy tàu vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo Sao Hỏa.
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng kỳ lạ này là do sự giao hội giữa Mặt Trời và Sao Hỏa, trong đó Sao Hỏa sẽ nằm đối diện Trái Đất, với Mặt Trời chắn ở giữa. Thêm một yếu tố nữa là ở thời điểm này, Sao Hỏa đang nằm tại vị trí xa Trái Đất nhất. Cụ thể, hành tinh Đỏ đang cách chúng ta khoảng 376 triệu km.
Vào ngày ba hành tinh giao hội thành một đường thẳng (17 hoặc 18/11 hàng năm), sẽ không có một tín hiệu nào có thể gửi từ Trái Đất tới Sao Hỏa và ngược lại. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chỉ kéo dài khoảng 1 tuần, theo thông tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Forbes đã liên hệ với The Planets Today, tạp chí chuyên cung cấp thông tin khoa học về Thái dương hệ, và được xác nhận rằng Sao Hỏa và Trái Đất đan trong vị trí đối diện nhau, với Mặt Trời ở tâm.
Đây cũng là lần đầu tiên Trái Đất và Sao Hỏa nằm ở vị trí cách xa nhau nhất. Nhưng điều quan trọng hơn là việc Mặt Trời đứng giữa đang làm gián đoạn các tín hiệu vô tuyến truyền qua lại, và khiến sự tương tác giữa hai phía trở nên khó khăn hơn.
Thực tế thì chúng ta vẫn có thể gửi tín hiệu tới Sao Hỏa. Nhưng với việc Mặt Trời nằm chắn ở giữa, trên đường tới đích các tín hiệu có thể bị hỏng, khiến các cỗ máy tự hành mà nhân loại gửi đến Sao Hỏa có thể hoạt động sai lệch so với ý định ban đầu.
Gốc rễ của vấn đề nằm tại thượng tầng khí quyển của Mặt Trời - còn được gọi là vành nhật hoa. Khu vực này cực nóng và mở rộng ra tới hàng ngàn cây số trong không gian. Vành nhật hoa chứa nhiều khí nóng bị ion hóa, với khả năng gây nhiễu tín hiệu vô tuyến.
Roy Gladden, người quản lý chương trình Mạng truyền phát tín hiệu tới Sao Hỏa tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cho biết: "Các đội triển khai nhiệm vụ của chúng tôi đã dành nhiều tháng trời để chuẩn bị danh sách những việc cần làm cho các loại máy móc và tàu quỹ đạo được gửi tới Sao Hỏa. Chúng tôi vẫn có thể nhận được phản hồi từ các thiết bị này gửi về và kiểm tra tình trạng sức khỏe của chúng trong vài tuần tới.”
Nhưng duy nhất trong hai ngày 17 và 18/11, NASA sẽ không thể can thiệp gì vào các thiết bị tự hành và tàu quỹ đạo, khi ba hành tinh kể trên xếp thẳng hàng nhau.
Ngay sau khi Mặt Trời và Sao Hỏa di chuyển ra các vị trí lệch nhau một chút, NASA sẽ gửi tin nhắn để kiểm tra tình trạng sức khỏe của thiết bị. Tuy nhiên, các hiệu ứng gây nhiễu từ sự kiện giao hội này sẽ chỉ kết thúc hoàn toàn vào ngày 25/11. Chỉ đến lúc đó, các kênh trao đổi vô tuyến mới được tái thiết lập đầy đủ.
Theo NASA, xe tự hành Curiosity của họ mới đây đã kỉ niệm 4.000 ngày hoạt động trên Sao Hỏa, kể từ khi nó đáp xuống hành tinh Đỏ vào tháng 8/2012.
Một ngày trên Sao Hỏa (được gọi là Sol) kéo dài 24 giờ 39 phút và 35 giây. Một năm trên Sao Hỏa có 668 sol, tương đương với 687 ngày trên Trái đất.
Vào thời điểm đó, Curiosity đã di chuyển 32km trên bề mặt Sao Hỏa và lấy mẫu đá để tìm hiểu về khí hậu hành tinh Đỏ, xem nó đã phát triển ra sao.
Được biết, sự giao hội sẽ diễn ra một lần nữa vào ngày 16/1/2025. Nhưng lần này, Trái Đất sẽ nằm giữa còn Sao Hỏa và Mặt Trời lại ở vị trí đối diện nhau.
Trong ngày xảy ra giao hội, Sao Hỏa sẽ hiện ra sáng nhất, lớn nhất và đẹp nhất trên bầu trời ở dưới Trái Đất. Đây là hiện tượng chỉ xuất hiện 1 lần duy nhất sau 687 ngày tới.