Thế giới tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9

Ngày 11/9, Mỹ và thế giới tiếp tục các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân trong sự kiện khủng bố tròn 10 năm về trước.
Ngày 11/9, Mỹ và thế giới tiếp tục các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân trong sự kiện khủng bố tròn 10 năm về trước.

Tại Mỹ, trọng tâm của những ngày tưởng niệm diễn ra ở khu vực Ground Zero tại New York, địa điểm đã xảy ra biến cố ngày 11/9/2001.

Vào lúc 8 giờ 40 (giờ địa phương), Tổng thống Barack Obama và người tiền nhiệm George W. Bush đã lần đầu tiên cùng có mặt tại khu vực Ground Zero tham gia nghi thức tưởng niệm, cùng với Thị trưởng New York Michael Bloomberg và cựu Thị trưởng Rudolph Giuliani, người có mặt tại hiện trường Ground Zero sau khi vụ khủng bố xảy ra.

Lần đầu tiên nhân dịp lễ tưởng niệm ngày 11/9, vào lúc 8 giờ 46, toàn bộ các nhà thờ, thánh đường của thành phố cùng gióng lên một hồi chuông vào thời khắc chiếc máy bay bị khủng bố chiếm đoạt đâm vào tòa tháp phía Bắc.

Cũng là lần đầu tiên, thời gian im lặng để tưởng niệm kéo dài trong 6 phút, nhiều hơn 2 phút so với mọi năm, vào các thời khắc 8 giờ 46, 9 giờ 03, 9 giờ 59 và 10 giờ 28, là thời điểm máy bay đâm vào hai tòa tháp ở khu Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và thời điểm hai tòa nhà sụp đổ.

Tên của tất cả các nạn nhân trong thảm họa ngày 11/9/2001 ở tòa tháp đôi và hai nơi khác là trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ và thành phố Shanksville, thuộc tiểu bang Pennsylvania được xướng lên trong lễ tưởng niệm.

Cũng trong ngày, khu tưởng niệm các nạn nhân của loạt khủng bố 11/9 đã được khánh thành sau 5 năm xây dựng, ngay tại địa điểm tòa tháp đôi. Tổng thống Obama cũng tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong hai vụ khủng bố khác tại Shanksville và Lầu Năm Góc.

Phát biểu trước công chúng, Tổng thống Obama tuyên bố thập kỷ hậu 11/9 đã chứng minh rằng bất chấp những chia rẽ, xung đột và suy thoái kinh tế, không gì có thể phá vỡ quyết tâm của Washington nếu người Mỹ vẫn đoàn kết.

Cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc, mối đe dọa vẫn luôn hiện hữu, nhưng thế giới không được để khủng bố cướp đi quyền cơ bản nhất của con người là quyền sống. Tổng thống Obama thề sẽ tiếp tục cuộc chiến cùng với toàn thế giới để đạt bằng được mục tiêu mà nước Mỹ hướng tới.

Cùng với nước Mỹ, nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức các buổi lễ họp mặt, tưởng niệm, hòa nhạc và hoạt động từ thiện để chia sẻ sự cảm thông với biến cố đau buồn của nước Mỹ.

Buổi lễ tưởng niệm ở Mátxcơva vang lên khúc giao hưởng số 3 của nhạc sỹ Mỹ Leonard Bernstein, tác phẩm được sáng tác để tưởng niệm cố Tổng thống Mỹ John Kennedy. Lễ tưởng niệm cũng diễn ra tại Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan, nơi Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bush đã đem quân vào lật đổ Taliban bị cho là dung dưỡng Al-Qaeda, thủ phạm đứng sau vụ 11/9.

Tại Anh, đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Thái tử Charles và Thủ tướng David Cameron cùng thân nhân của 67 người Anh tử nạn trong các vụ tấn công trên đã tham dự buổi lễ tưởng niệm ở London.

Những vòng hoa được đặt tại Đài tưởng niệm ngày 11/9 gần Đại sứ quán Mỹ ở Quảng trường Grosvenor. Trước đó, các buổi lễ cầu nguyện cũng được tiến hành tại những thánh đường ở Belfast, Glasgow và Birmingham.

Ngoại trưởng Anh William Hague đã ca ngợi lòng quả cảm và nhân phẩm của những nạn nhân trong các vụ tấn công ở Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới, trong đó có vụ đánh bom tại Anh ngày 7/7/2005.

Thủ tướng Canada Stephen Harper cam kết Canada và tất cả các đồng minh của Mỹ sẽ hợp tác để ngăn chặn nguy cơ tái diễn một vụ khủng bố tương tự như vụ 11/9 ở Mỹ.

Tại Wellington, Paris, Berlin và nhiều thủ đô khác cũng tổ chức các hoạt động tưởng niệm.

Tại Malaysia, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác có công dân bị thiệt mạng tại tòa tháp đôi của WTC đã diễn ra lễ tưởng niệm người thân của họ. Lãnh đạo nhiều nước cũng đã gửi điện chia sẻ những mất mát tới chính phủ Mỹ.

Nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo, Tin lành và Hồi giáo khắp nơi trên thế giới đã tổ chức lễ cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân vụ 11/9 - vụ khủng bố lịch sử làm thay đổi nước Mỹ và thế giới.

Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.973 nạn nhân, là công dân của Mỹ và khoảng 90 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có 343 lính cứu hỏa thành phố New York. Con số thiệt mạng này không tính 19 kẻ khủng bố trên 4 chiếc máy bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục