Thế hệ Z ‘nổi dậy’ chống lại văn hóa doanh nghiệp châu Á cứng nhắc như thế nào?

Hệ thống cấp bậc thiếu linh hoạt, thời gian làm việc dài và văn hóa làm việc bất chấp sức khỏe đã làm khiến nhiều nhân viên trẻ ở châu Á bức xúc với cuộc sống của họ.

Nhân viên ở mọi độ tuổi tại Nhật Bản và Hong Kong xếp chót bảng về mức độ gắn bó với công việc. (Nguồn: Economist)
Nhân viên ở mọi độ tuổi tại Nhật Bản và Hong Kong xếp chót bảng về mức độ gắn bó với công việc. (Nguồn: Economist)

Khi nhóm nhân viên thế hệ Z (Gen Z) ở các thành phố lớn như Seoul, Thượng Hải, Singapore và Tokyo tụ tập, cuộc trò chuyện của họ luôn là thứ tiếng Anh chỉn chu.

Nếu những người tham dự đều thành thạo một ngôn ngữ chung khác, đó là nỗi thất vọng của doanh nghiệp.

Hệ thống cấp bậc thiếu linh hoạt, thời gian làm việc dài và văn hóa làm việc bất chấp sức khỏe đã làm khiến nhiều nhân viên trẻ bức xúc với cuộc sống của họ.

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu về sức khỏe người lao động hằng năm được thực hiện bởi Gallup - một tổ chức chuyên thực hiện khảo sát và phân tích dữ liệu của Mỹ, chỉ 18 % những người ở dưới độ tuổi 35 ở các nước Đông Á cảm thấy họ gắn bó với công việc hiện tại, con số này thấp hơn mức trung bình đã vốn thấp của toàn thế giới là 23 %.

Đặc biệt, nhân viên ở mọi độ tuổi tại Nhật Bản và Hong Kong xếp chót bảng về mức độ gắn bó với công việc.

Như giọt nước tràn ly, hàng nghìn bác sỹ trẻ tại Hàn Quốc đã dừng làm việc để phản đối kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y vào tháng 2/2024.

Cuộc đình công đầu tiên tại Samsung - công ty lớn nhất được niêm yết của Hàn Quốc, cũng đã xảy ra vào ngày mùng 7/6/2024.

Các quan chức công đoàn cho rằng chính thế hệ nhân viên trẻ tuổi đã khởi xướng cho những cuộc đình công này.

Nghiên cứu của chuyên gia Shin Min-ju từ đại học Quốc gia Pukyong và Jung Heung-jun từ Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul cho rằng “thế hệ MZ” - bao gồm những người thuộc thế hệ millennials (những người sinh năm 1980s đến cuối những năm 1990s) và thế hệ Z là những người sẵn sàng thành lập và tham gia vào công đoàn vì họ tin vào tầm ảnh hưởng tích cực của việc đấu tranh cho quyền lợi của người lao động hơn là những thế hệ đi trước.

Hái dưa còn hơn cạnh tranh sinh tồn ở Tokyo

Sự phản kháng của người lao động tại Nhật Bản có vẻ ôn hòa hơn, trong khi người lao động tại Trung Quốc có nguy cơ bị án phạt nặng nếu đình công. Thay vì tổ chức đình công trong nước, họ tìm đến các cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Di cư ra nước ngoài đang là một chủ đề nhạy cảm của thế hệ lao động trẻ tại Trung Quốc, nhất là khi nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu suy thoái.

“Rùn” - trong tiếng Trung có nghĩa là lợi nhuận, là từ lóng được dùng rất nhiều trong giới trẻ Trung Quốc bởi nó đọc gần giống với từ “run” - có nghĩa là chạy trốn trong tiếng Anh.

Còn ở bên nước láng giềng là Nhật Bản, rất nhiều người lao động đang làm việc tại Australia bằng visa lao động thay vì làm việc trong nước.

Người ta thà đi thu hoạch dưa chuột và phải sống giữa thiên nhiên Australia cùng các loài động vật nguy hiểm còn hơn là phải gồng mình trong chuỗi cạnh tranh đầy khắc nghiệt để sinh tồn tại Tokyo.

Nhiều người trẻ còn choáng ngợp với mức lương tối thiểu cho nhân viên ở cửa hàng ăn nhanh tại California (Mỹ) là 20 USD/giờ, cao gấp 3 lần so với mức lương cho công việc tương tự tại Nhật Bản.

Chán chường với các cơ hội

Tuy nhiên, phản ứng phổ biến nhất khi đối mặt với sự khốn khổ của đời sống lao động tại Đông Á lại chỉ có thể là ngầm chống đối.

Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, tầng lớp lao động trẻ đều đang ngầm phản đối cuộc sống hiện tại trong cả thập kỷ gần đây. Những người trẻ Nhật Bản được gọi là thế hệ satori (thế hệ giác ngộ theo Phật).

Trong khi đó tại Hàn Quốc, họ là thế hệ sampo, đồng nghĩa với việc họ đã hy sinh cả 3 thứ: hẹn hò, hôn nhân và con cái - chỉ để có thể tồn tại ở nền kinh tế này. Điểm chung của thế hệ trẻ tại cả hai nước này là thái độ chán chường với các cơ hội trong đời sống và công việc.

Làn sóng chán nản này cũng đã nhanh chóng lan sang Trung Quốc vào năm 2021, khi những người trẻ ở nước này đang dần dần “buông xuôi,” hoặc từ bỏ những áp lực trong cuộc sống, dù là cuộc sống cá nhân hay sự nghiệp, làn sóng này xảy ra chỉ 1 năm sau khi những người trẻ ở phương Tây bắt đầu trào lưu từ bỏ trong yên lặng.

Các bạn trẻ Trung Quốc còn tham gia trào lưu này ở một tầm cao mới. Những tháng gần đây trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh của những trang phục công sở mới, đó là hình ảnh những bạn trẻ với những bộ đồ xuề xòa nhất có thể, có người mặc đồ ngủ còn chân đi dép lê.

Chính phủ và các doanh nghiệp châu Á cuối cùng cũng để tâm đến sự biến đổi này. Vào tháng 5/2024, giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của Baidu, một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc, đã phải xin lỗi vì yêu cầu nhân viên của mình phải có thể liên lạc được suốt 24/24h một ngày và nói rằng: "Tôi không phải mẹ của các anh chị."

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng bị áp lực phải hủy bỏ kế hoạch tăng thời gian làm việc tối đa trong tuần từ 52 giờ lên 69 giờ.

Các Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Singapore, ông Lawrence Wong, đều hứa hẹn sẽ có những động thái mềm mỏng hơn với những công dân trẻ đang bất mãn với nền kinh tế tư bản hiện thời.

Đã có những dấu hiệu của sự thay đổi. Bartleby - một du khách tới Nhật Bản gần đây rất ngạc nhiên khi hình ảnh những nhân viên trong bộ đồ vest cứng nhắc xung quanh trụ sở các tập đoàn lớn không hề nhiều như trong tưởng tượng. Nhưng đôi khi một bước lùi lớn lại theo sau ngay hai bước tiến nhỏ.

Một nhà đầu tư người Mỹ nói rằng khi anh ấy chỉ xuất hiện trong chiếc áo sơ mi ngắn tay đơn giản tới một cuộc họp với một nhóm giám đốc điều hành người Nhật, và điều duy nhất anh cảm thấy là sự lúng túng khi đối diện với những bộ vest tối màu nghiêm nghị.

Thái độ là thứ cần thời gian dài để thay đổi - đặc biệt là đối với những người của thế hệ trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục