Thể thao Việt Nam chờ ngày cất cánh trong năm mới Nhâm Dần

SEA Games 31 là giải đấu trọng tâm nhất của thể thao Việt Nam trong năm mới Nhâm Dần với nhiều mục tiêu từ chuyên môn cho tới công tác tổ chức.
SEA Games 31 và ASIAD 19 là những giải đấu trọng tâm của thể thao Việt Nam trong năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)
SEA Games 31 và ASIAD 19 là những giải đấu trọng tâm của thể thao Việt Nam trong năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thể thao Việt Nam khép lại năm Tân Sửu cùng những hạn chế nhất định do chưa có sự chuẩn bị tốt để đối mặt với ảnh hưởng nặng từ đại dịch COVID-19.

Trong số này, kết quả tham dự Olympic Tokyo 2020 không đạt mục tiêu đề ra khi không giành huy chương. Bên cạnh đó, đội tuyển bóng đá Việt Nam không bảo vệ thành công chức vô địch tại Suzuki AFF Cup 2020. Nhiều đội tuyển, đội tuyển trẻ còn thiếu cơ hội tập huấn, thi đấu cọ xát, dẫn tới giảm sút về chất lượng chuyên môn.

Dẫu vậy, nhìn lại hành trình năm vừa qua, thể thao Việt Nam vẫn thu về những thành tích nhất định, qua đó hứa hẹn một năm mới với khởi sắc hơn ở những giải đấu quan trọng như SEA Games 31, Olympic, Paralympic mùa đông, ASIAD 19 và Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN Para Games).

Những thành tích nổi bật trong năm cũ

Năm qua, ngành thể thao Việt Nam tiếp tục đứng trước khó khăn lớn nhất mang tên COVID-19. Đại dịch gây ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện tới hoạt động của toàn ngành thể thao trên tất cả các lĩnh vực. Vì thế, kế hoạch năm 2021 nhiều lần phải điều chỉnh, trong đó hầu hết các hoạt động chuyên môn trong chương trình công tác phải hoãn, hủy hoặc lùi thời hạn. Còn lại, việc tập huấn trong nước, tập huấn nước ngoài và tham dự các sự kiện thể thao cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Tổng cục Thể dục thể thao đã kịp tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic, Paralympic Tokyo, SEA Games 31 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới đồng thời tổ chức và tham dự các giải thể thao trong và ngoài nước một cách tốt nhất.

Thể thao Việt Nam chờ ngày cất cánh trong năm mới Nhâm Dần ảnh 1Thể thao Việt Nam một lần nữa nỗ lực để vượt qua ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19 trong năm 2021. (Ảnh: Getty Images)

Trong bối cảnh dịch bệnh, công tác tập huấn đối với các đội tuyển, đội tuyển trẻ tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vẫn được duy trì.

Ngành thể thao đã phối hợp với các địa phương nhằm tổ chức 72 giải thể thao quốc gia, mở 7 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao. Tổng cục Thể dục thể thao cũng kịp điều chỉnh kế hoạch tổ chức các hoạt động chuyên môn để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn song hầu hết các giải thể thao quốc gia đều đạt kết quả chuyên môn đề ra.

Nhờ vậy, trong năm 2021, thể thao Việt Nam đã giành được 38 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 14 huy chương đồng từ các giải đấu châu Á và giải quốc tế mở rộng.

Thể thao Việt Nam chờ ngày cất cánh trong năm mới Nhâm Dần ảnh 2Đô cử Lê Văn Công giành Huy chương Bạc tại Paralympic Tokyo 2021.

Những thành tích ấn tượng nhất trong năm qua phải kể tới như: Đội tuyển bóng đá nam quốc gia lần đầu tiên giành quyền thi đấu vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á; Đội tuyển Futsal Việt Nam xuất sắc giành quyền tham dự vòng chung kết, sau đó lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất của Giải vô địch Futsal Thế giới tại Lithuania; Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia vào vòng chung kết của Giải vô địch Bóng đá nữ châu Á năm 2022 để tranh vé tham dự World Cup 2023; Đoàn Thể thao người khuyết tật giành được 01 huy chương bạc tại Paralympic Tokyo với vận động viên Lê Văn Công ở môn cử tạ.

Trong số này, thành tích tại Paralympic Tokyo và vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á tạo được sự chú ý nhiều nhất. Đội tuyển Việt Nam một lần nữa cho thấy tín hiệu khởi sắc dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, qua đó tiếp tục giữ vững vị thế số một khu vực Đông Nam Á. Còn lại, đô cử Lê Văn Công giải tỏa “cơn khát huy chương” cho thể thao Việt Nam sau khi “trắng tay” tại Olympic, qua đó thể hiện tinh thần và khát vọng vươn lên của vận động viên Việt Nam.

Bùng nổ trong năm mới Nhâm Dần?

Năm mới Nhâm Dần, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic, Paralympic mùa đông, ASIAD 19, Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN Para Games), Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ ba tại Trung Quốc, SEA Games lần thứ 31, Đại hội Thể thao quốc tế trẻ em châu Á lần thứ 7 tại Nga, Đại hội Thể thao Văn hóa Pháp ngữ tại Congo và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.

Thể thao Việt Nam mong muốn đạt từ 3-5 huy chương vàng tại ASIAD 19 và phải tổ chức thành công SEA Games 31, tạo dấu ấn về thành tích, chuyên môn và công tác tổ chức. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng nhất với thể thao thành tích cao trong năm mới.

Với SEA Games 31, ngành thể thao vẫn đặt thành tích nằm trong tốp 3 trên bảng tổng sắp huy chương ở SEA Games 31. Đây không phải nhiệm vụ quá khó bởi tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019, Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, giành về 98 tấm Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc và 105 Huy chương đồng. Thành tích này giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan, đứng thứ hai trên bảng xếp hạng và chỉ đứng sau nước chủ nhà Philippines.

Thể thao Việt Nam chờ ngày cất cánh trong năm mới Nhâm Dần ảnh 3Ngành thể thao Việt Nam đặt mục tiêu vừa tổ chức tốt vừa giành thành tích chuyên môn cao tại SEA Games 31. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về mặt tổ chức, ngành thể thao muốn hướng đến một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á kiểu mẫu, trong đó Việt Nam dự kiến tổ chức tất cả các nội dung thi đấu của các môn thi, đặc biệt không bỏ các nội dụng liên quan đến các môn thi đấu đạt chuẩn Olympic - điều chưa bao giờ diễn ra ở các kỳ đại hội trước đây.

SEA Games 31 tại Việt Nam dự kiến khai mạc vào ngày 12/5, bế mạc vào ngày 23/5/2022 tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang.

Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam gồm 40 môn thi với 525 nội dung và có khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn.”

Dự kiến, chậm nhất đến tháng 4/2022, mọi công tác chuẩn bị về hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tại các địa điểm thi đấu của Đại hội Thể thao Đông Nam Á tại Việt Nam sẽ được hoàn tất, đưa vào vận hành thử. 

Trong khi đó, ngành thể thao đặt mục tiêu tổ chức, điều hành 132 giải đấu thành tích cao, 46 lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao trong bối cảnh đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong số này, nhiệm vụ quan trọng nhất là phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ đạo tổ chức tốt V-League 2022 và chuẩn bị chu đáo cho đội tuyển Việt Nam tham dự các trận đấu thuộc vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á, SEA Games 31.

Còn lại, ngành thể thao sẽ chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố liên quan nhằm chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục