Trong một thông báo đăng trên trang web chính thức, Bộ Y tế Arập Xêút cho biết 2 trường hợp tử vong tại thành phố miền Tây Taif và 2 trường hợp tử vong khác tại tỉnh Đông, nơi virus MERS-CoV đang hoành hành mạnh nhất.
Ngoài ra, Bộ này cũng xác nhận thêm 3 trường hợp nhiễm mới tại tỉnh Đông, thủ đô Riyadh và thành phố cảng Jeddah nằm trên bờ Biển Đỏ. Trong đó, một trẻ 2 tuổi mắc bệnh phổi mãn tính, một phụ nữ 63 tuổi mắc một số bệnh mãn tính và một bệnh nhân nam 42 tuổi bị hen suyễn mãn tính.
Cho đến nay, Arập Xêút đã ghi nhận tổng cộng 49 trường hợp nhiễm virus MERS-CoV, trong đó có 32 ca tử vong. Ngày 14/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 58 trường hợp nhiễm MERS-CoV trên toàn thế giới, trong đó 33 ca tử vong. Trước tình hình này, WHO đã công bố chỉ dẫn tạm thời về dịch cúm và MERS-CoV có khả năng lây lan thành một đại dịch trên toàn cầu.
Theo WHO, căn bệnh này gây các triệu chứng ho, sốt, viêm phổi và có "mức độ báo động" tương đương với hai chủng cúm khác là H5N1, xuất hiện cách đây 10 năm, và H7N9 mới được phát hiện tại Trung Quốc từ tháng Ba vừa qua. WHO đánh giá nguy cơ lây lan virus MERS-CoV cao.
[WHO cảnh báo virus corona có khả năng gây đại dịch]
MERS-CoV được phát hiện lần đầu tại Arập Xêút năm ngoái và hiện đã phát tán sang 8 nước gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Jordan, Qatar, Tunisia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Mặc dù số người bị nhiễm còn ít nhưng tỷ lệ tử vong lên tới 60%. Khoảng 75% số ca nhiễm virus này ở Arập Xêút là nam giới, phần lớn đã có các vấn đề về sức khỏe từ trước. Cho tới nay, nguồn gốc virus này vẫn chưa được xác định./.