Thêm một công ty Anh thăm dò dầu tại Falkland

Thông báo của Falkland Oil & Gas cho biết công ty sẽ tiến hành thăm dò tại độ sâu 2.700m, và quá trình này kéo dài ít nhất 35 ngày.
Ngày 1/6, công ty dầu khí Falkland Oil & Gas của Anh tuyên bố bắt đầu công tác khoan thăm dò tại vùng bồn bể phía Bắc quần đảo Falkland đang tranh chấp với Argentina, mà phía Buenos Aires gọi là Malvinas.

Với quyết định này, Falkland Oil & Gas trở thành công ty thứ 3 của Anh tiến hành tìm kiếm “vàng đen” tại vùng lãnh hải mà cả London và Buenos Aires đều tuyên bố chủ quyền này.

Thông báo của Falkland Oil & Gas cho biết công ty sẽ tiến hành thăm dò tại độ sâu 2.700m, và quá trình này kéo dài ít nhất 35 ngày.

Thông báo này được đưa ra 2 tuần sau khi công ty Rockhopper, đang tiến hành thăm dò tại vùng biển này, cho biết dầu được tìm thấy có “chất lượng cao.”

Một công ty thứ tư của Anh là Borderss & Southern Petroleum cũng dự tính tiến hành thăm dò trong những ngày tới, lần này là tại vùng biển sâu phía Nam Malvinas.

Việc các công ty Anh tiến hành thăm dò tại vùng biển quanh quần đảo này từ tháng 2/2010 đã làm cuộc tranh cãi chủ quyền kéo dài gần 160 năm qua giữa hai nước càng trở nên căng thẳng.

Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Argentina cảnh báo nước này sẽ áp dụng “mọi biện pháp cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế” để ngăn chặn mọi hành động khai thác dầu khí tại quần đảo Malvinas.

Buenos Aires cũng tái khẳng định ngoài việc triển khai biện pháp kiểm soát tàu thuyền qua lại giữa phần lãnh thổ lục địa của Argentina và Malvinas, nước này cũng sẽ trừng phạt tất cả các công ty liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển đang tranh chấp này.

Argentina khẳng định sẽ tiếp tục đòi chủ quyền của mình tại quần đảo này tại mọi diễn đàn quốc tế.

Trong vụ tranh cãi về chủ quyền quần đảo Malvinas, lập trường của Argentina là từ chối thương lượng với đại diện của người dân tại vùng lãnh thổ này - chủ yếu do Chính phủ Anh di cư sang sau khi chiếm được quần đảo - đồng thời đòi London phải công nhận có tồn tại tranh chấp chủ quyền tại đây và tiến hành đàm phán để tìm giải pháp hòa bình, theo tinh thần của các nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề này.

Trong khi đó, Anh liên tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo trên, cho rằng điều đó được củng cố bởi nguyên tắc quyền tự quyết được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Quần đảo Malvinas - bị quân đội Anh chiếm bằng vũ lực năm 1833 - nằm cách bờ biển Argentina 650 km và cách Anh 8.000km, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000km2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục