Thêm một 'điểm nóng' trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ

Mỹ khẳng định sẽ không điều các quan chức chính phủ đến Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh nhằm thể hiện sự phản đối hành vi vi phạm nhân quyền khi nước này cản trở các vận động viên Mỹ tham gia tranh tài.
Thêm một 'điểm nóng' trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo hãng tin AFP, ngày 6/12, Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, một động thái nhằm thể hiện sự phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc khi nước này cản trở các vận động viên Mỹ tham gia tranh tài.

Và ngay sau khi Trung Quốc “thề sẽ đáp trả” bất kỳ hình thức tẩy chay ngoại giao nào, Mỹ cùng ngày đã khẳng định sẽ không điều các quan chức chính phủ đến thế vận hội này.

Sự đáp trả mạnh mẽ

Quyết định nói trên được đưa ra sau nhiều tháng chính giới Washington tranh luận về lập trường của Mỹ đối với Thế vận hội sẽ được tổ chức vào tháng 2/2022 tại một quốc gia mà Mỹ tố cáo là phạm tội ác “diệt chủng” chống lại cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc.

Tháng trước, ông Biden cũng cho biết đang cân nhắc một sự tẩy chay ngoại giao đối với sự kiện thể thao này trong bối cảnh có nhiều chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

[Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh: Đòn ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc]

Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhóm nhân quyền và các chính trị gia tại Mỹ, nơi Tổng thống Biden đang chịu sức ép phải đứng lên công khai chống lại các hành vi lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jens Psaki cho biết chính quyền sẽ không điều bất kỳ một đại diện ngoại giao hay một quan chức nào đến thế vận hội vì “tội ác diệt chủng và các tội ác khác của Trung Quốc chống lại người dân ở Tân Cương cùng những vi phạm nhân quyền khác của nước này vẫn tiếp diễn.”

Theo bà Psaki, việc điều một quan chức đại diện đến sự kiện đồng nghĩa với việc thừa nhận Thế vận hội này là bình thường, và “chúng tôi đơn giản là không thể làm như vậy.”

Bà nói thêm rằng “các vận động viên của đoàn Mỹ luôn nhận được sự hỗ trợ toàn diện của chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn đứng phía sau họ 100% và cổ vũ họ từ nước nhà.'

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang tham vấn các đồng minh và đối tác về một “cách tiếp cận chung” với Thế Vận hội Bắc Kinh trong bối cảnh những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Bob Menendez, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện quyền lực của Mỹ, ủng hộ quyết định tẩy chay ngoại giao này là một “sự đáp trả mạnh mẽ” trước “tội ác diệt chủng của Trung Quốc tại Tân Cương.”

Ông cùng Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks thuộc Đảng Dân chủ đã lên tiếng kêu gọi các nước khác làm theo Mỹ. Meeks cảnh báo cộng đồng quốc tế không nên giúp Trung Quốc “tẩy trắng những hành động tàn bạo của nước này với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác.”

Trong khi đó, Thượng Nghị sỹ Cộng hòa Tom Cotton cho rằng đây chỉ là “biện pháp nửa vời, và cần có một động thái cứng rắn từ phía giới lãnh đạo Mỹ.”

Ông nói: “Mỹ nên tẩy chay hoàn toàn Thế vận hội Diệt chủng tại Bắc Kinh.”

Động thái tẩy chay hoàn toàn một thế vận hội của Mỹ xảy ra vào năm 1980, khi Tổng thống Jim Catter quyết định không để Mỹ tham gia sự kiện này để phản đối việc Liên Xô xâm lược Afghanistan.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền cũng gọi quyết định của chính quyền Biden là “quan trọng,” nhưng vẫn hối thúc thêm những động thái buộc “những kẻ gây ra các tội ác này phải chịu trách nhiệm và công lý dành cho những người dân còn lại."

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết việc điều hay không điều các quan chức đến “là một quyết định mang ý nghĩa thuần chính trị đối với mỗi chính phủ, và IOC, với tư thế trung lập về chính trị, hoàn toàn tôn trọng quyết định này.”

Một phát ngôn viên của ICO nói: “Thông báo này của Mỹ cũng cho thấy rõ rằng Thế vận hội và sự tham gia của các vận động viên không bị chính trị hóa, và chúng tôi hoan nghênh điều này."

Về phía châu Âu, phát biểu sau cuộc họp với các quan chức Mỹ tại Washington, Stefano Sannino, Tổng Thư ký cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, ngày 3/12 cho biết việc duy trì sức ép với Trung Quốc liên quan đến các hành vi lạm dụng nhân quyền của nước này ở Tân Cương là rất quan trọng, nhưng bất kỳ động thái tẩy chay nào đều thuộc phạm vi cá nhân một nước thành viên, chứ không phải là chính sách đối ngoại chung của Liên minh châu Âu.

Quyết định tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 của Wasington là một phần trong một hành động cân bằng ngoại giao phức tạp.

Chính quyền Biden đã giữ nguyên các loại thuế thương mại mà chính quyền Trump đã áp lên Trung Quốc, đồng thời tiếp tục ra lệnh cho Hải quân thực hiện các chuyến tuần tra hàng hải tại các tuyến đường biển quốc tế nhạy cảm mà Trung Quốc đang nỗ lực đưa vào tầm kiểm soát của mình.

Tuy nhiên, Biden cũng nhấn mạnh về sự cần thiết của việc đối thoại, phản đối luận điệu cho rằng ông đang quá mềm mỏng. Điều này khiến cho Thế vận hội sắp tới trở thành một điểm nóng chính trị.

Phản ứng của Trung Quốc

Hãng Reuters dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trước báo giới tại Bắc Kinh nhấn mạnh rằng những lời kêu gọi tẩy chay của Mỹ "nhằm gây sự chú ý” và "nên chấm dứt" để “không ảnh hưởng đến sự đối thoại và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong các vấn đề quan trọng.”

Ông nói thêm: “Nếu Mỹ vẫn khăng khẳng với ý tưởng này, Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp đáp trả cứng rắn.”

Bắc Kinh bày tỏ sự phản đối đối với việc chính trị hóa thể thao, nhưng trong quá khứ lại từng trừng phạt các liên đoàn thể thao Mỹ, trong đó có Hiệp hội Bóng Rổ Quốc gia Mỹ, vì vi phạm những “lằn ranh đỏ chính trị” của Trung Quốc.

Mỹ dự kiến sẽ chủ trì Thế vận hội vào năm 2028 tại Los Angeles, và điều này đang làm dấy lên hoài nghi về cách mà Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ sau đó.

Giới chức Trung Quốc cho biết đã nhận được hơn 1.500 đơn đăng ký từ Ủy ban Olympic của Mỹ, cơ quan phụ trách gửi thông tin các vận động viên Mỹ tham dự Thế vận hội Mùa Đông dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022 tới.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng lấy lý do những hạn chế vì đại dịch COVID-19 để giới hạn số khán giả tham dự, và truyền thông Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không có ý định mời các chính trị gia phương Tây từng lên tiếng đe dọa tẩy chay sự kiện này.

Sự kiện này dự kiến diễn ra từ ngày 4-20/2/2022 theo hình thức "bong bóng" để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

AFP dẫn nguồn tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng trên Twitter: "Thành thật mà nói, người Trung Quốc cảm thấy khá nhẹ nhõm khi nghe tin này bởi càng ít quan chức Mỹ tham dự thì càng ít virus được mang đến Trung Quốc."

Tổng thống Nga Vladimir Putin là lãnh đạo duy nhất của một nước lớn chấp nhận lời mời của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục