Theo giá xăng, cước vận tải đồng loạt tăng 10-15%

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải đường dài, mà hàng loạt các hãng taxi, xe khách trong hai ngày đầu tháng Ba đã điều chỉnh giá cước. Trên khắp các tuyến, giá cước vận tải hầu hết đã tăng lên từ 10-15%.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, mức cước mới mà các doanh nghiệp vận tải áp dụng là mức tăng hợp lý để duy trì hoạt động.
Ngay sau khi Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt tăng giá cước. Tuy nhiên, mức giá cước mới được các chuyên gia đánh giá là "hợp lý" và các ngành chức năng đang kiểm soát chặt các mức tăng này.

Đồng loạt tăng giá

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải đường dài, mà hàng loạt các hãng taxi, xe khách trong hai ngày đầu tháng Ba đã điều chỉnh giá cước. Trên khắp các tuyến, giá cước vận tải hầu hết đã tăng lên từ 10-15%.

Hầu hết các hãng taxi đã niêm yết giá cước mới, tăng khoảng 1.000-1.500 đồng/ km tùy từng loại xe so với trước.

Cụ thể, hãng taxi Thủ đô, taxi Group, Mai Linh đã áp dụng giá mở cửa đối với hành khách từ 12.500 đến 12.700 đồng/km đầu tiên.

Theo ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Gia Lâm, hiện có hai đơn vị tăng giá vé là công ty trách nhiệm hữu hạn buýt Hải Phòng và công ty xe khách Bắc Giang tăng giá tới 12%.

Hai tuyến này đã niêm yết giá vé mới Hải Phòng-Hà Nội tăng từ 55.000-60.000 đồng, Bắc Giang-Hà Nội tăng giá vé lên 40.000-45.000 đồng/hành trình đối với mỗi tuyến.

Theo ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, sau khi giá xăng dầu tăng, đa số các doanh nghiệp đã thỏa thuận xong với các chủ hàng về mức giá cước mới tăng thêm 13%-15%, tùy theo loại hàng rời, hàng kiện, container và theo cự ly vận chuyển. Một số hãng xe tải sẽ thực hiện ngay giá mới ngay trong những ngày đầu tháng Ba.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng: “Đối với xe buýt, giá vé có hỗ trợ của nhà nước nên đỡ căng thẳng hơn. Nhưng vận tải liên tỉnh và hoạt động kinh doanh có dùng đến nhiên liệu có những khó khăn. Doanh nghiệp cũng không quyết định được giá vé mà vấn đề này do thành phố quyết định”.

Giá cước mới hợp lý

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp Hội taxi Hà Nội cho rằng: “Với giá xăng hiện nay, nếu không tăng giá, một ngày doanh nghiệp (có khoảng 100 đầu xe) sẽ lỗ khoảng 6-10 triệu đồng. Doanh nghiệp nhiều xe sẽ lỗ nhiều hơn.”

Đại diện các hãng taxi đều nhận định vì giá xăng, dầu đã tăng quá cao. Nếu không tăng giá, hãng sẽ bị lỗ, chưa kể họ còn đối mặt với nguy cơ lái xe đình công.

Theo ông Bình, mức giá cước mới là hợp lý  để duy trì hoạt động vận tải. Tuy nhiên, “trong thời điểm này, làm thế nào để các doanh nghiệp không lợi dụng việc này để tăng quá cao giá cước thì đòi hỏi cơ quan chức năng phải có tính toán và giám sát hợp lý. Có như vậy, hành khách đi xe mới không bị thiệt thòi,” ông Bình nhận định.

Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, các doanh nghiệp tăng giá là điều đã được dự đoán khi giá nhiên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên tránh tăng giá cước quá cao mà trong quá trình tăng phải theo Thông tư 129/2010 của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý hỗ trợ đường bộ. Vì tăng cao như vậy dễ gây bất bình cho hành khách, làm giảm yếu tố cạnh tranh trên thị trường vận tải.

Ông Toàn cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp vận tải, như các hãng taxi tăng thêm 10% giá cước cũng là điều hợp lí vì đây là vấn đề lỗ lãi, sinh tồn của từng doanh nghiệp. Nếu tăng cao hơn, chắc chắn lượng khách hàng sẽ bị giảm, nên các hãng vận tải hãy cân nhắc kĩ và nên có những điều chỉnh khác cho phù hợp chứ không nên chỉ phụ thuộc vào chi phí nhiên liệu.”

Tuy nhiên, theo đại diện các đơn vị kinh doanh vận tải, với quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, doanh nghiệp muốn tăng giá cước vận tải phải kiểm tra lại hoạt động, bộ máy của doanh nghiệp cũng như chất lượng phương tiện, sau đó có báo cáo kê khai giá cước đề xuất tăng với ngành thuế tại địa phương.

Sau khi được ngành thuế phê duyệt, doanh nghiệp phải thông báo điều chỉnh giá cước tới khách hàng, hành khách tối thiểu là 7 ngày trước khi tăng giá.

Ngoài ra, nếu đơn vị nào tự ý tăng giá cước có thể bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt..

Xử lý nghiêm những trường hợp tăng "vượt rào"

Thông tin từ ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết, đơn vị này vừa lập biên bản yêu cầu 2 doanh nghiệp vận tải khách là Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội và Công ty cổ phần xe khách Hà Tây dừng ngay việc tăng giá vé khi chưa được phép của các ngành chức năng.

Cụ thể, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội đã có văn bản xin phép tăng giá vé hai tuyến Hà Nội-Sơn Tây từ 15.000 đồng lên 18.000 đồng và Kim Mã-Sông Hà (Ba Vì) từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng và gửi lên Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài Chính và Tổng cục Thuế. Tuy nhiên khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, hai doanh nghiệp này đã tăng giá.

“Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu hai doanh nghiệp trên dừng ngay việc tăng giá vé trái phép. Sở Giao thông vận tải cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán chi phí để đưa ra mức tăng giá hợp lý,” ông Mạnh cho biết.

Ông Mạnh cũng khuyến cáo: “Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, quản lý tránh việc nhiều doanh nghiệp vận tải lợi dụng việc này trục lợi, gây thiệt thòi cho hành khách.”./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục