Thí điểm xe khách đi, đến TPHCM từ 13/10, hành khách phải tiêm đủ liều

Hành khách đi từ TP.HCM phải tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh trong 72 giờ trước khi lên xe.
Thí điểm xe khách đi, đến TPHCM từ 13/10, hành khách phải tiêm đủ liều ảnh 1Khu vực quầy bán vé tại Bến xe miền Đông mới. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng ôtô đến và đi từ Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 13/10.

Nội dung trên vừa được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố nhằm thống nhất phương án này.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tần suất hoạt động trong thời gian thí điểm là tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của từng đơn vị theo lưu lượng đã được Sở Giao thông Vận tải hai đầu tuyến thống nhất công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

[Hà Nội cho phép hành khách về từ TP.HCM theo dõi sức khỏe tại nhà]

Theo phương án thí điểm, hành khách đi từ Thành phố Hồ Chí Minh phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine, liều cuối đã được ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ôtô.

Hành khách tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...).

Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng quy định về xét nghiệm, thực hiện 5K, khai báo y tế.

Trong khi đó, hành khách đến Thành phố Hồ Chí Minh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Trước đó, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/10, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng nhận định, hiện tại, nhu cầu quay lại thành phố của người dân các tỉnh, thành chưa cao.

Thành phố đã xây dựng phương án đưa người lao động trở lại bằng xe đưa đón công nhân.

Ngoài ra, theo Quyết định 1777 của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến ngày 13/10, các tỉnh, thành sẽ đưa vào thí điểm vận tải liên tỉnh. Thành phố cũng xây dựng các Bộ tiêu chí an toàn với lĩnh vực vận tải sao cho phù hợp với tình hình mới.

Về phối hợp đi lại giữa các tỉnh, thành với Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Công Bằng cho biết ngày 1/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản lấy ý kiến 4 tỉnh lân cận với phương án tổ chức giao thông; đến ngày 7/10 các địa phương đã có văn bản phản hồi nhưng mỗi địa phương đề xuất phương thức khác nhau theo tình hình dịch bệnh tại địa phương đó. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải đang tổng hợp, xây dựng giải pháp giao thông phù hợp để đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét.

Liên quan đến vấn đề người dân đăng ký đi lại trong trường hợp cấp bách, Sở Giao thông Vận tải cho biết đến nay Sở đã tiếp nhận gần 11.000 người đăng ký qua Cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải tại địa chỉ https://thongtin-sgtvt.tphcm.gov.vn/dich-vu-cong/dang-ky-di-chuyen. Hiện Sở đã xử lý khoảng 7.000 trường hợp đăng ký của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục