Thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì đề thi Toán, Sử dễ

Kết thúc buổi thi Đại học đợt 2 khối B, D, C chiều nay (9/7), nhiều sĩ tử hớn hở vì đề thi vừa sức, bám sát chương trình học lớp 12.
Kết thúc buổi thi Đại học đợt 2 khối B, D, C chiều nay (9/7), nhiều sĩ tử hớn hở vì đề thi vừa sức, bám sát chương trình học lớp 12.

Đề Toán khối B, D “dễ thở”

Ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh thi môn Toán khối B, D tỏ ra khá hài lòng về kết quả bài thi của mình.

Tại điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), em Đinh Văn Cảnh bước ra khỏi phòng thi trước khoảng 25 phút đã bị phụ huynh vây quanh để hỏi han về đề thi.

Cười tươi, Cảnh khoe, đề Toán khá dễ, những thí sinh học trung bình có thể làm được 6 điểm. Với học sinh giỏi có thể đạt điểm 10 bài thi này.

“Hai môn thi hôm nay em đều làm tốt, hi vọng môn Hóa sáng mai cũng diễn ra tương tự,” Cảnh bộc bạch.

Khuôn mặt phấn khởi, em Nguyễn Thành Công, học sinh trường Trung học phổ thông Xuân Trường (Nam Định) bảo rằng, có lẽ môn Toán chiều nay em sẽ đạt được 8 điểm.

Lý giải về điều này, Công cho hay, đề Toán khối B khá dễ. Các kiến thức chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12 và chút ít lớp 11. Tuy nhiên, câu 6 về tìm giá trị lớn nhất đòi hỏi kiến thức rộng, khả năng tư duy cao, lập luận diễn giải tốt thì mới có thể ăn điểm trọn vẹn.

Theo Công, đề toán khối B có mức độ nhẹ nhàng hơn khối A1 mà em đã từng thi đợt 1. Những sĩ tử học lực khá cũng chỉ có thể đạt được khoảng 7 điểm.

“Với 3 tiếng làm bài, nhiều thí sinh còn ra sớm dù mới chỉ 2/3 thời gian làm bài. Nhiều bạn còn dư thời gian soát lại bài và tự tin đạt được điểm cao,” Công thành thật.

Theo nhận định chung của nhiều thí sinh tại địa điểm thi Đại học Ngoại ngữ thì đề toán khối D năm nay khá nhẹ nhàng, vừa sức với thí sinh.

Hoàng Dương (Yên Bái) cho biết: “Sau khi làm xong bài, kiểm tra lại cẩn thận, em vẫn còn thừa khoảng 20 phút. Những dạng bài trong đề thi khá cơ bản và quen thuộc, được đề cập đến nhiều trong các bộ sách tham khảo, luyện đề.”

Đánh giá về đề thi, theo Dương, câu khảo sát hàm số khá đơn giản, không hề “lắt léo,”  có thể coi là câu dễ nhất trong đề và hầu như bạn nào cũng làm được câu này.

Bên cạnh đó, câu tích phân và giải phương trình cũng thuộc loại quen thuộc, nếu thí sinh học chắc, hiểu kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, biết cách biến đổi về dạng cơ bản thì việc giải đề không hề khó khăn.

“Tuy nhiên, để đạt điểm cao hẳn thì lại đòi hỏi thí sinh phải thật sự cẩn thận trong khâu tính toán. Đề tuy dễ nhưng cũng rất dễ nhầm lẫn,” Dương nhận định.

Cùng quan điểm với Dương, Phan Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: Em cảm thấy khá nhẹ nhàng sau môn thi Toán. Đề không “khó nhằn” như đề toán của khối A.

Theo Phan Anh, đề tuy “dễ thở” nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh khá rõ. Đặc biệt, ở phần hình học, nhiều bạn sẽ cảm thấy hơi “khó nhằn” hơn một chút. Nó đòi hỏi sự tinh nhạy của thí sinh, vấn đề mấu chốt nhất là thí sinh phải vẽ được hình đúng thì mới có thể nhìn nhận và giải quyết được nhanh yêu cầu của đề bài.

Đề Sử dễ nhưng cần sàng lọc kỹ

Với mức đề không quá khó, chiều nay sau 180 phút làm bài, sĩ tử tại điểm thi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thở phào nhẹ nhõm bước ra phòng thi.

Cũng như môn Ngữ Văn sáng nay, đề Lịch Sử năm nay được đánh giá là đúng trọng tâm, sát với chương trình học và ôn tập.

Câu hỏi của đề thi rơi vào cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp; Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000, Chính sách đối ngoại của Nhật Bản là nội dung dung chính của đề thi.

Em Nguyễn Văn Việt, thí sinh dự thi vào khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Đề thi năm nay rất mới và sát với kiến thức đã được ôn luyện. Em làm xong bài khi thời gian chỉ còn vỏn vẹn gần 10 phút. Em hài lòng với bài làm của mình.”

Một thí sinh khác đến từ Bắc Ninh em Nguyễn Thị Hà bước ra điểm thi trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với tâm trạng thoải mái nói: “Mặc dù đề thi năm nay rất mới so với mọi năm nhưng vừa sức với học sinh, đề không đánh đố mà đi thẳng vào vấn đề, chỉ có câu 2 điểm với nội dung lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000… là hơi khó.”

Rời phòng thi với khuôn mặt rạng rỡ, Trần Huyền Trang cho biết: “Em học chuyên Văn, nhưng em thấy đề Sử tương đối dễ, hơn nữa lại trúng ‘tủ’ nên em làm bài khá tốt”./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục