Thi THPT Quốc gia: Cần sớm 'chốt' phương án để học sinh không bị động

Công luận yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố kịch bản chính thức cho kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2020 trong thời gian sớm nhất để ổn định tâm lý cho học sinh.
Thi THPT Quốc gia: Cần sớm 'chốt' phương án để học sinh không bị động ảnh 1Học sinh học trực tuyến. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra hai kịch bản cho kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm nay, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nếu học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6, vẫn đủ thời gian chuẩn bị để học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi theo kế hoạch đã điều chỉnh (từ 8-11/8). Trong điều kiện, học sinh đi học lại sau ngày 15/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi Trung học Phổ thông Quốc gia phù hợp hơn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà trường, dù chọn phương án nào, Bộ cũng nên tính toán và công bố sớm để học sinh không bị động, chủ quan.

Vẫn nên giữ kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia

Ông Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nhiều phương án đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Kỳ thi nên được giữ, nếu có thể.

Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ, thí sinh không thể đến điểm thi, mới nên thay thế bằng phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.

Theo ông Lê Viết Khuyến, một số quốc gia trên thế giới giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp đối với học sinh Trung học Phổ thông, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục rất tốt, còn ở Việt Nam, bệnh thành tích còn nặng, để địa phương tự quyết định e rằng không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.

Đối với học sinh, ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh các em không nên có tâm lý buông việc học, ngồi chờ khi nào bỏ thi. Trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học như hiện nay, gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa.

Đề cập đến quy định thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo Luật Giáo dục, ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường sẽ do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nếu không thi ở cấp quốc gia, giao cho các địa phương tổ chức thi và xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.

Từ góc độ Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn chia sẻ: Chúng ta vẫn nên hướng tới phương án tổ chức được kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ tốt hơn. Vì mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao.

[Dự kiến lịch thi Trung học Phổ thông Quốc gia diễn ra từ ngày 8-11/8]

Hiện nay, hầu hết học sinh lớp 12 đã phấn đấu rất nhiều, cố gắng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Nếu trong trường hợp bất khả kháng, khi dịch tiếp tục phức tạp, mới không tổ chức kỳ thi này.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Nguyễn Thế Bình cũng cho rằng việc tổ chức thi sẽ khiến học sinh và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đất nước từ lứa học sinh này theo đó cũng được đảm bảo. ''Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi này,'' ông Bình phân tích.

Giảm thiểu xáo trộn khi tuyển sinh đại học

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị các kịch bản cho kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm nay nhằm tránh bị động là rất đúng đắn, đáp ứng mong đợi của các nhà trường.

Tuy nhiên, với phương án nào, Bộ cũng cần tính toán để công bố sớm, nhằm giúp các cơ sở giáo dục phổ thông có kế hoạch dạy học cũng như các trường đại học có kế hoạch tuyển sinh năm nay đảm bảo chất lượng.

Nhìn từ thực tế tuyển sinh của các trường, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng hiện nay, đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển hằng năm.

Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học sẽ lúng túng. Bởi lẽ, không nhiều trường có thể tổ chức một kỳ thi riêng, vì chi phí rất tốn kém. Trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường đại học có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.

Thi THPT Quốc gia: Cần sớm 'chốt' phương án để học sinh không bị động ảnh 2Học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) học qua truyền hình tại nhà. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Ông Ngọc cũng bày tỏ xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến nhưng sẽ có tình trạng "vàng thau lẫn lộn," khó đảm bảo chính xác và công bằng cho học sinh. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp.

Bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cũng cho rằng trong điều kiện tốt nhất, việc tiếp tục triển khai kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ giảm thiểu được những xáo trộn cho học sinh lớp 12 cũng như các cơ sở giáo dục đại học.

Còn trong trường hợp không thể tổ chức thi, có phương án công nhận kết quả hoàn thành chương trình giáo dục Trung học phổ thông cho học sinh thì các trường đại học sẽ phải chủ động hơn trong phương án tuyển sinh và sớm thông tin đến thí sinh.

Năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã quyết định tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nôi, các thí sinh vẫn cần tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp.

Đây là kỳ thi quan trọng, được thực hiện theo Luật Giáo dục với nhiều mục đích, kiểm tra kiến thức và đánh giá kết quả của học sinh, là nền tảng để các trường đại học tuyển sinh.

Do điều kiện dịch bệnh, học sinh không thể đến trường nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản khá nhiều kiến thức. Đa phần học sinh có khả năng ôn tập ở nhà, với sự hỗ trợ, giảng dạy trực tuyến và trên truyền hình của các thầy cô giáo, thời gian thi đã lùi lại so với các năm nên học sinh hoàn toàn có thể tham gia kỳ thi. Chỉ trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, thí sinh không thể đến trường dự thi mới nên có phương án khác thay thế.

Ông Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng các quyết định về thi cần tính đến quyền lợi của người học. Nếu không thi Trung học phổ thông quốc gia, các trường đại học hoàn toàn khắc phục được và có các phương án khác để tuyển sinh nhưng thí sinh sẽ “rối như tơ vò," học một kiểu-thi một kiểu, gây hoang mang, lo lắng. Nếu thi riêng, mỗi học sinh có khả năng sẽ thi không dưới 5 trường dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Trước những băn khoăn từ phía nhà trường, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và đặc biệt từ chính các thí sinh lớp 12 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố kịch bản chính thức cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 trong thời gian sớm nhất để ổn định tâm lý cho học sinh cũng như giúp các trường đại học chủ động trong công tác tuyển sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục