Thị trường Chứng khoán châu Á chạm "đỉnh" của hai tuần vừa qua

Trong phiên 30/8, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) có thời điểm tăng 1% lên mức cao nhất kể từ ngày 14/8.
Thị trường Chứng khoán châu Á chạm "đỉnh" của hai tuần vừa qua ảnh 1Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 30/8, ghi dấu phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp và chạm mức cao nhất trong hai tuần, giữa bối cảnh đồng USD đi xuống.

Dữ liệu không khả quan về thị trường lao động Mỹ làm dấy lên dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ chấm dứt chiến dịch tăng lãi suất.

Trong phiên 30/8, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) có thời điểm tăng 1% lên mức cao nhất kể từ ngày 14/8.

[Tâm lý lạc quan “phủ xanh” các thị trường chứng khoán châu Á]

Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng 8 đến nay, chỉ số này đã giảm khoảng 6% và hướng tới tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2023.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 106,49 điểm (0,33%), lên 32.333,46 điểm, nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi thêm dữ liệu việc làm của Mỹ để tìm manh mối về đường đi của lãi suất ở cường quốc này.

Thị trường chứng khoán Seoul của Hàn Quốc cũng khép phiên với "sắc xanh," khi các nhà đầu tư suy đoán rằng Fed có thể tạm dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ.

Chỉ số KOSPI tăng 9,06 điểm, tương đương 0,35%, đóng cửa ở mức 2.561,22 điểm.

Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong hầu như không biến động trong phiên 30/8, khi những nỗ lực giảm bớt sức ép lên lĩnh vực bất động sản của Chính phủ Trung Quốc bị "bù trừ" bởi hoạt động chốt lời và tâm lý lo ngại rằng chính quyền cần phải làm nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Đóng cửa phiên này, chỉ số Hang Seng giảm nhẹ 1,17 điểm, xuống 18.482,86 điểm, sau hai ngày tăng ấn tượng. Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,25 điểm, lên 3.137,14 điểm.

Ở thời điểm mở cửa phiên 30/8 tại thị trường châu Âu, chỉ số Eurostoxx 50 tăng 0,39%, chỉ số DAX của Đức tăng 0,29% và chỉ số FTSE 100 tăng 0,31%.

Báo cáo về lạm phát của Đức và Tây Ban Nha sẽ được công bố vào cuối ngày sẽ kiểm tra mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, với việc Fed nhấn mạnh rằng hướng đi của lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào dữ liệu kinh tế, các thị trường đang đặt cược 89% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tháng Chín và 50% khả năng ngân hàng này sẽ "án binh bất động" một lần nữa vào cuộc họp tháng 11.

Một bức tranh kinh tế rõ nét hơn của Mỹ có thể sẽ được hé lộ vào cuối tuần này khi báo cáo việc làm và dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ được công bố.

Lợi suất trái phiếu Mỹ trượt xuống mức thấp nhất trong ba tuần, sau khi dữ liệu cho thấy số vị trí việc làm cần tuyển dụng ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm rưỡi vào tháng 7/2023, báo hiệu thị trường lao động đã bớt thắt chặt.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 30/8, VN-Index tăng 8,73 điểm lên 1.213,16 điểm.

Khối lượng giao dịch đạt gần 912 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 20.910,3 tỷ đồng.

Toàn sàn có 320 mã tăng giá, 167 mã giảm giá và 75 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục