Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 14/8

Dẫn đầu những chỉ số giảm mạnh là chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc), với mức giảm gần 2%, do nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden “ôm” khoản nợ lớn.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 14/8 ảnh 1Dự án phát triển khu dân cư Fengming Haishang của Country Garden Holdings Co., tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 2022. (Nguồn: Getty Images)

Giá cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản Country Garden, Trung Quốc, đã giảm hơn 17% trong phiên chiều 14/8 trong bối cảnh hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi xuống trong phiên này, sau khi thị trường Phố Wall chứng kiến đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ trong đêm trước và diễn biến kém lạc quan của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đè nặng lên tâm lý giới đầu tư.

Chiều phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 413,74 điểm (1,27%), xuống 32.059,91 điểm. Các nhà đầu tư quan ngại trước sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ Mỹ, mặc dù đồng yen suy yếu đã hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Chuyên gia Stephen Innes của Công ty quản lý tài sản SPI Asset Management, bình luận rằng việc đồng yen của Nhật Bản giảm xuống dưới mức tâm lý quan trọng 145 yen/USD đã dẫn đến suy đoán về việc liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ can thiệp vào thị trường hay cho phép lợi suất của trái phiếu Chính phủ Nhật Bản cao hơn để hỗ trợ đồng yen.

Dẫn đầu những chỉ số giảm mạnh tại thị trường châu Á trong phiên này là chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc), với mức giảm gần 2%, do nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là Country Garden “ôm” khoản nợ lớn làm dấy lên lo ngại về một vụ phá sản có thể tác động mạnh tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang trì trệ.

Tuần trước, Country Garden thông báo công ty này đã bỏ lỡ hạn chót (ngày 7/8) cho việc thanh toán 22,5 triệu USD lãi suất của hai lô trái phiếu bằng đồng USD. Nếu không thanh toán cho các nhà đầu tư khi kết thúc 30 ngày ân hạn, Country Garden Holdings sẽ vỡ nợ với nghĩa vụ tài chính này, với mỗi lô có giá trị danh nghĩa 500 triệu USD. Điều này làm sâu sắc thêm mối lo ngại về lĩnh vực bất động sản đang quay cuồng trong khủng hoảng của Trung Quốc.

Trong khi đó, sắc đỏ cũng bao trùm thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) khi chỉ số Shanghai Composite mất 0,34%, xuống 3.178,43 điểm.

[Trung Quốc rơi vào giảm phát kéo thị trường Phố Wall lao dốc]

Chuyên gia Stephen Innes của SPI Asset Management lưu ý rằng những lo ngại đối với các công ty bất động sản Trung Quốc đang khiến thị trường chứng khoán khu vực suy giảm. Ông nói: “Tâm lý tiêu cực này đã lan sang các thị trường châu Á khác, dẫn đến bầu không khí ảm đạm trên tất cả các sàn giao dịch.” Phiên này, thị trường Singapore giảm hơn 1%, còn thị trường Manila của Philippines cũng đi xuống.

Hiện, mọi sự chú ý đang đổ dồn về báo cáo doanh số bán lẻ tháng Bảy vừa qua của Mỹ và biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).

Chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng rất tích cực nhờ hàng tỷ USD của nhà đầu tư trong nước đổ vào thị trường. Trong khi đó, chỉ số liên tiếp đi lên nhưng nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng khá mạnh với gần 1.000 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 14/8, VN-Index tăng 4,63 điểm lên 1.236,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 23.544 tỷ đồng. Toàn sàn có 315 mã tăng giá, 159 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 5,19 điểm lên 250,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 135,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.411,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 75 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,18 điểm lên 93,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 89 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.145 tỷ đồng. Toàn sàn có 205 mã tăng giá, 102 mã giảm giá và 85 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục