Thị trường chứng khoán châu Á nhất loạt giảm

Thị trường chứng khoán châu Á phiên 25/1 nhất loạt đi xuống sau khi Phố Wall cuối tuần trước trải qua 3 phiên giảm điểm tồi tệ nhất.
Thị trường chứng khoán châu Á phiên 25/1 nhất loạt đi xuống sau khi Phố Wall cuối tuần trước trải qua 3 phiên giảm điểm tồi tệ nhất trong 10 tháng.

Tuy vậy, thị trường vẫn đang tạo được đà phục hồi từ các mức thấp trong ngày khi các chỉ số chứng khoán kỳ hạn của Mỹ tăng điểm là tín hiệu cho thấy các thị trường ở New York có thể sẽ lấy lại được phần nào những mất mát của tuần trước. Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm 0,8%.

Giới đầu tư tiếp tục giảm bớt đầu tư chứng khoán sau khi thị trường chứng khoán Mỹ có 3 phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ khi rơi xuống đáy hồi tháng 3/09. Tâm lý giới đầu tư trên thị trường chứng khoán thế giới đang xấu đi kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất kế hoạch cải tổ mạnh mẽ ngành ngân hàng, theo đó hạn chế hoạt động đầu tư rủi ro "vô độ" vốn bị coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế.

Theo các nhà phân tích, sự không chắc chắn về những tác động tiềm tàng của kết hoạch này là nguyên nhân khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng, trong khi họ vẫn đang lo ngại về triển vọng lợi nhuận của các công ty Mỹ và làn sóng phản đối việc tái bổ nhiệm ông Ben Bernanke giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiệm kỳ II.

Tại châu Á, tâm lý giới đầu tư, vốn đã lo ngại kinh tế Trung Quốc và những bước đi của nước này nhằm ngăn không cho kinh tế phát triển quá nóng, đang tiếp tục trở nên hoang mang sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo kế hoạch huy động khoảng 5,8 tỷ USD để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng những tiêu chuẩn của chính phủ. Kết quả là các cổ phiếu khối ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại Tokyo, đồng yên mạnh lên gây sức ép làm giảm giá cổ phiếu các nhà xuất khẩu như Toyota Motor Corp, đẩy chỉ số Nikkei-225 giảm 77,86 điểm (0,74%) xuống 10.512,69 điểm, đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất trong vòng 1 tháng qua, theo sau sự tuột dốc ở Phố Wall.

Mặc dù vậy, chỉ số này đã phục hồi chút ít so với mức giảm lên tới 1,2% vào đầu phiên, khi chỉ số chứng khoán kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,5%, ám chỉ thị trường chứng khoán Phố Wall sẽ mở cửa tăng trong phiên tới.

Mitsushige Akino, Trưởng ban quản lý quỹ thuộc công ty Ichiyoshi Investment Management, nhận định điều này đã thúc đẩy giới đầu tư kỳ vọng về sự phục hồi của Phố Wall từ sự sụt giảm mạnh tuần trước.

Theo đà đi xuống tại Phố Wall, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hongkong phiên này cũng để mất 127,63 điểm (0,62%) xuống 20.598,55 điểm; còn chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 34,18 điểm (1,09%) xuống phổ biến ở mức 3.094,41 điểm vào cuối phiên, với các cổ phiếu ngành ngân hàng giảm mạnh nhất do giới đầu tư lo ngại về kế hoạch huy động vốn của chính phủ.

Với việc khu vực tài chính và công nghệ đột ngột mất đi vai trò đầu tàu, vốn dẫn đầu tự tăng điểm trên toàn cầu trong những tháng gần đây, các nhà phân tích hiện không chắc chắn về việc liệu chứng khoán có tiếp tục đi xuống.

Một số nhà đầu tư lo ngại tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu có thể đang chậm lại, điều sẽ là nhân tố tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, và một loạt chỉ số công nghệ đều cho thấy thị trường sẽ còn suy yếu hơn nữa./.

Phương Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục