Được nâng đỡ bởi đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, các sàn giao dịch chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 20/7 tràn ngập sắc "xanh" với mức tăng cao nhất trong gần 10 năm qua.
Chốt phiên sáng 20/7 tại Singapore, chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương MSCI, không tính Nhật Bản, tăng 0,15% điểm, chạm gần mức cao nhất nhất kể từ tháng 12/2007.
Trong khi đó, chỉ số Composite của Thượng Hải tăng 0,25% điểm và Hang Seng của Hong Kong tăng 0,3% điểm.
[Thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng đạt mức kỷ lục]
Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI cũng có phiên giao dịch tăng điểm thứ 10 liên tiếp và đạt được mức tăng kỷ lục trong 6 phiên giao dịch liên tiếp.
Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei-225 cũng đã tăng 71,28 điểm (0,36%) lên 20.092,14 điểm. Chỉ số Topix tăng 9,39 điểm (0,58%) lên 1.631,26.
Những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán châu Á như trên là nhờ các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức kỷ lục vào chốt phiên giao dịch ngày 19/7.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 66,02 điểm (0,31%), lên 21.640,75 điểm. Đây là mức cao kỷ lục mới của Dow Jones, hơn 3 điểm so với mốc kỷ lục gần đây nhất được thiết lập hồi đầu tháng. S&P 500 cũng tăng 13,22 điểm (0,54%), lên 2.473,83 điểm.
Trong khi đó, chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 40,74 điểm (0,64%), lên 6.385,04 điểm. Đây là ngày thứ hai liên tiếp cả S&P 500 và Nasdaq tăng điểm và thiết lập mức điểm kỷ lục mới. Riêng S&P 500 đạt mức điểm cao nhất kể từ tháng 3/2000 bất chấp mã cổ phiếu của một số hãng công nghệ giảm điểm, trong đó có IBM.
Trong khi đó, giá vàng thế giới trong ngày 20/7 giảm 0,15% còn 1.238,55 USD/oz. Giá dầu Brent hiện giảm 0,1% còn 49,64 USD sau khi tăng 1,6% ngày 19/7.
Những thông tin kinh tế trên được công bố trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 20/7 nhóm họp thảo luận về chương trình thu mua tài sản trước khi công bố kế hoạch thu hồi hoạt động thu mua trái phiếu, làm dấy lên hy vọng ngân hàng này sẽ sớm chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ./.